Từ trữ lượng lớn đến chiến lược khai thác: Việt Nam đang làm gì với đất hiếm?
Đất hiếm quan trọng thế nào và khai thác có khó không?
Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tập hợp 17 nguyên tố hóa học có giá trị cực kỳ quan trọng và nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như máy tính xách tay và điện thoại thông minh.
Một số oxit đất hiếm được dùng trong sản xuất nam châm, động cơ máy bay và các công nghệ xanh, bao gồm tuabin gió và xe điện; các sản phẩm quốc phòng như tàu ngầm, máy bay tiêm kích,...
Mặc dù gọi là “đất hiếm” có thể khiến người ta nghĩ rằng các nguyên tố này cực kỳ khan hiếm, nhưng thực tế ngoại trừ nguyên tố prometi có tính phóng xạ, các nguyên tố đất hiếm còn lại tương đối dồi dào. Tuy nhiên, việc tìm thấy các mỏ có giá trị kinh tế là vô cùng khó khăn – đặc biệt là với đất hiếm nặng, do các thân quặng chứa chúng ít phổ biến hơn so với đất hiếm nhẹ.
Theo số liệu ước tính từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố vào đầu năm nay, trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới vào khoảng trên 90 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn (chiếm gần 70% trữ lượng đất hiếm của thế giới), 21 triệu tấn ở Brazil,...
Một trở ngại khác trong quá trình khai thác đất hiếm là quy trình tách chiết. Do các nguyên tố đất hiếm có tính chất hóa học tương tự nhau, nên việc tách riêng chúng rất khó khăn, dẫn đến quy trình phức tạp và tốn kém.
Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là chiết dung môi, nhưng theo Viện Lịch sử Khoa học (Science History Institute), quá trình này kéo dài và có thể phải trải qua hàng trăm đến hàng nghìn chu kỳ để đạt độ tinh khiết cao.
Ngoài ra, hoạt động khai thác đất hiếm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, đòi hỏi các biện pháp cẩn trọng nhằm giảm thiểu tác động đến thiên nhiên và cộng đồng sống gần các mỏ.
Đất hiếm có thể được khai thác từ các mỏ lộ thiên – tương tự như nhiều loại kim loại và khoáng sản khác – hoặc thông qua phương pháp thấm dung dịch (in-situ leaching). Các kim loại này thường được tìm thấy trong các mỏ đá cứng, mỏ đất sét ion và các bãi cát khoáng sản.
Do có nhiều ứng dụng, đặc biệt trong những thiết bị quan trọng và đắt tiền trong khi việc khai thác lại khó khăn, các mỏ đất hiếm được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giá trị và được xem là "vũ khí chiến lược" của các quốc gia, đặc biệt những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn.
Việt Nam đang làm gì với đất hiếm
Theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam khoảng 3,5 triệu tấn, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia có trữ lượng lớn nhất. Tuy nhiên, con số này điều chỉnh giảm so với mức 22 triệu tấn công bố vào trước đó. USGS cho biết con số này được điều chỉnh dựa trên báo cáo của công ty và chính phủ.
Con số này sát với bản Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt năm 2023, trữ lượng đất hiếmTR2O3 (tức oxit đất hiếm, đã được tách triết tinh khiết hơn so với nguyên khai) là 3,47 triệu tấn.

Sản lượng đất hiếm của Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 300 tấn, không thay đổi so với năm 2023. So sánh với trữ lượng thì khai thác vẫn chiếm một tỷ trọng còn khiêm tốn.
Đất hiếm của Việt Nam nằm chủ yếu ở khu vực Tây Bắc. Trong đó, 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái nằm trong quy hoạch thăm dò để khai thác.

Nguồn:Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Theo Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030, các đề án thăm dò đà cấp phép tại mỏ Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe tỉnh Lai Châu sẽ hoàn thành đề án thăm dò đã được cấp phép. Đến năm 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã được cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 - 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.
Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 2,02 triệu tấn đất hiếm nguyên khai/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Giai đoạn 2031 - 2050, duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu chế biến 20.000 - 60.000 tấn đất hiếm riêng rẽ (REO)/năm và tầm nhìn đến năm 2050 là 40.000 - 80.000 tấn/năm. Tổng ô xít đất hiếm (TREO) là 40.000 - 80.000 tấn/năm. Ngoài ra, đến năm 2050, đầu tư nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm do nhà đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại từ đất hiếm 7.500 - 10.000 tấn/năm.
Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng đất hiếm phải được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đát hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ô-xit, hiđroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO tối thiểu 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm REO, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển bền vững tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam” hồi tháng 3 năm ngoái ông Lê Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 60 loại mặt hàng tài nguyên khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ và điểm khai thác, theo thông tin từ Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Nhu cầu năng lượng tái tạo trên toàn cầu ngày càng tăng, cùng với ngành đất hiếm hiện vẫn chưa được đáp ứng được nhu cầu do số lượng nhà cung cấp hạn chế.
Ông Albert DeGarmo, Cục Tài nguyên năng lượng, Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định Chính phủ Việt Nam đứng trước cơ hội tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội của lĩnh vực khoáng sản chủ chốt hiện đang tăng trưởng và được sự quan tâm trong ngắn hạn và trung hạn.
Trước đó, tháng 9/2023, Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ để chính thức hoá hợp tác kỹ thuật chung.
Trong đó, hợp tác kỹ thuật tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: nâng cao hiểu biết của Việt Nam về đất hiếm; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và hạ nguồn;nâng cao khả năng cạnh tranh trong quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam; và tăng cường liên kết giữa hai chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Đánh giá về triển vọng thị trường đất hiếm, ông David Bird, chuyên gia định giá khai khoáng thuộc nhóm Deloitte (tư vấn khai khoáng của Mỹ) cho biết, nhu cầu về thị trường đất hiếm dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong thập kỷ tới do việc sử dụng nam châm vĩnh cửu đất hiếm (REPM) ngày càng tăng trong xe điện, tua-bin gió và các mục đích khác. Đặc biệt, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ về các loại đất hiếm như: neodymium REO và praseodymium từ tính.
Để thu hút doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam, ông David Bird cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi và thiết lập các mối quan hệ thương mại giúp các công ty đưa ra những lựa chọn chiến lược tốt và cạnh tranh quốc tế.
Đồng thời, cơ chế thuế và tiền khai thác khoáng sản của Chính phủ phải cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu tài chính của đất nước với nhu cầu thu hút thêm đầu tư.
Khả năng cạnh tranh của cơ chế được đo lường với các thị trường có điểm mạnh về địa chất và địa chính trị tương tự.
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng luật thuế tổng thể nhằm tránh tác động của việc thoái vốn trong thời kỳ thị trường giá xuống, đồng thời tận dụng lợi thế của thị trường giá lên, hướng tới duy trì sự cân bằng cạnh tranh trong việc chia sẻ lợi nhuận từ doanh nghiệp.
Năm ngoái, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành Thông tư 21/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá và thăm dò khoáng sản đất hiếm. Điểm đáng chú là công nghệ GeoAI – ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý và phân tích dữ liệu địa chất – được khuyến khích áp dụng xuyên suốt quá trình này, với yêu cầu đảm bảo bảo mật và đánh giá độ tin cậy của kết quả.