Toyota, Honda phản đối kế hoạch ưu đãi thuế cho xe điện của Hạ viện Mỹ
Dự luật dự kiến sẽ được Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo bỏ phiếu vào thứ Ba (14/9).
Đây được coi như một phần của dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD được Chính phủ Tổng thống Joe Biden đề xuất và dự kiến mang lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất ô tô lớn của Detroit, nơi các nhà máy đều có đại diện nghiệp đoàn.
Theo đề xuất, dự luật sẽ tăng mức tín dụng thuế tối đa cho xe điện từ 7.500 USD hiện tại lên tới 12.500 USD.
Con số này bao gồm khoản tín dụng 500 USD để sử dụng pin sản xuất tại Mỹ. Dự luật giới hạn tín dụng đối với ô tô điện có giá không quá 55.000 USD, còn với xe tải là không quá 74.000 USD.
Ước tính, dự luật trị giá khoảng 33 - 34 tỷ USD trong 10 năm.
Trong tuyên bố của mình, Toyota cho biết đề xuất trên phân biệt đối xử đối với những người lao động trong ngành ô tô lựa chọn không tham gia nghiệp đoàn.
Toyota nói thêm rằng họ sẽ "chiến đấu để giúp đưa tất cả các phương tiện chạy bằng điện dễ tiếp cận hơn đối với người dân Mỹ, những người không có khả năng mua ô tô và xe tải giá cao".
Tuyên bố của Honda cũng nhấn mạnh dự luật này "không công bằng" và "phân biệt đối xử” giữa những chiếc xe điện do các công nhân Mỹ tham gia sản xuất chỉ dựa trên việc họ có thuộc một nghiệp đoàn hay không.
Honda cũng lưu ý các cơ sở sản xuất xe điện của họ ở Alabama, Indiana và Ohio xứng đáng được Quốc hội đối xử công bằng và bình đẳng.
Dự luật nêu trên là một phần quan trọng trong mục tiêu của Tổng thống Joe Biden nhằm đảm bảo xe điện chiếm ít nhất 50% doanh số bán xe tại Mỹ vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy việc làm của các nghiệp đoàn.
Một điểm đáng chú ý của dự luật là loại bỏ điều khoản rút lại các khoản tín dụng thuế cho các nhà sản xuất ô tô sau khi họ bán ra 200.000 xe điện.
Điều này sẽ giúp General Motors Co và Tesla Inc đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế trở lại. Dự luật cũng sẽ tạo ra một khoản tín dụng mới nhỏ hơn, khoảng 2.500 USD cho xe điện đã qua sử dụng.
Ngược lại, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài hoạt động tại Mỹ cũng như Tesla – vốn không có nghiệp đoàn đại diện cho công nhân lắp ráp.
Nhiều công ty trong số này đã đấu tranh với những nỗ lực tổ chức nghiệp đoàn của Nghiệp đoàn Công nhân ngành sản xuất ôtô Mỹ (UAW) tại các nhà máy.