EVFTA: Cam về TBT, SPS và chỉ dẫn địa lí đối với cà phê Việt Nam
Cam kết về TBT/SPS
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Hiệp định EVFTA chủ yếu gồm các cam kết hợp tác, minh bạch hóa, công nhận lẫn nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).
EVFTA không có cam kết nào cụ thể liên quan tới các biện pháp TBT, SPS đối với thực phẩm, đồ uống ngoại trừ các cam kết về ghi nhãn hàng hóa (áp dụng chung cho mọi loại sản phẩm, rất quan trọng với nhóm thực phẩm, đồ uống).
Vì vậy, về cơ bản, EU và Việt Nam sẽ tiếp tục giữ quyền chủ động trong việc ban hành và áp dụng các biện pháp TBT, SPS (ngoại trừ một số ràng buộc về quy định TBT đối với việc ghi nhãn).
Có nhiều cơ hội hơn trong việc công nhận tương đương giữa EU và Việt Nam đối với các biện pháp SPS của mỗi bên.
Việc ban hành và thực thi các biện pháp TBT sẽ được minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, còn một số nội dung mới tạo thuận lợi thương mại cho hai bên như:
Danh sách doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu: mỗi bên thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm kèm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên kia.
Công nhận tương đương: rút ngắn thời hạn xem xét công nhận tương đương là ba tháng so với quy định của WTO (6 tháng) kể từ thời điểm nhận được đề nghị.
Qui định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng, do đó, Việt Nam được chọn một trong ba giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU:
(i) EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp SPS này.
(ii) Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận.
(iii) EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam dần đáp ứng được biện pháp SPS này.
Cam kết về chỉ dẫn địa lí
EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột.