Đức Long Gia Lai (DLG) lỗ kỷ lục 921 tỷ đồng năm 2020
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 cho thấy doanh thu thuần giảm 8% so với quý IV/2019, xuống còn 688 tỷ đồng.
Trong đó, mảng kinh doanh linh kiện điện tử mang về doanh thu nhiều nhất, ghi nhận gần 429 tỷ đồng, chiếm 62% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Doanh thu từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, lên 63 tỷ đồng.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm thấp 4%, khiến lợi nhuận gộp giảm 23% xuống còn 108 tỷ đồng.
Quý IV/2020, DLG cũng ghi nhận khoản lỗ chuyển nhượng từ các khoản đầu tư tài chính gần 380 tỷ đồng, dẫn tới chi phí tài chính tăng vọt 4,8 lần lên 492 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lại đồng loạt giảm, mức giảm lần lượt 81% và 51% xuống còn 11 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
Cuối kỳ, sau khi khấu trừ các chi phí, DLG ghi nhận khoản lỗ sau thuế 372 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 12 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2020, DLG đạt 1.981 tỷ đồng doanh thu, giảm 31% so với năm 2019. Lỗ sau thuế 921 tỷ đồng trong khi năm 2019 lỗ 7 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục của DLG kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2010.
Năm 2020, DLG đặt mục tiêu đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu và 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả thực tế bên trên, cuối năm 2020, doanh nghiệp đã thực hiện được 79% kế hoạch về doanh thu và không đạt mục tiêu về lợi nhuận năm.
Giải thích nguyên nhân thua lỗ, DLG cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, thiên tai phức tạp, dẫn đến tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn. Doanh thu tăng thấp, nhưng giá vốn hàng bán tăng cao dẫn đến lợi nhuận giảm.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng do trong kỳ chuyển nhượng thoái vốn một số lĩnh vực kinh doanh hoạt động kém hiệu quả và trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại các công ty con tăng.
Tính đến ngày 31/12/2020, DLG có 8.115 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 5% so với con số đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 26% xuống còn 2.026 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 4% xuống 390 tỷ đồng. Trong đó, hàng hoá chiếm 45% và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 27% tổng giá trị hàng tồn kho.
Cuối quý IV/2020, doanh nghiệp ghi nhận tổng nợ phải trả hơn 5.652 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, lãi vay phải trả xấp xỉ gần 498 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm.