Đức đặt mục tiêu giảm 20% tiêu thụ khí đốt, nhưng liệu đã đủ cho mùa đông?
Mục tiêu tham vọng
Financial Times dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Quản lý Năng lượng Đức (BNA), ông Klaus Müller cho biết Berlin sẽ phải giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 20% để tránh nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông này. Trước đó, toàn khối EU đã thông qua kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15%.
BNA sẽ chịu trách nhiệm việc giới hạn nguồn cung khí đốt tới doanh nghiệp nếu nền kinh tế hàng đầu châu Âu thiếu năng lượng trong mùa đông. “Nếu Đức thấp bại trong việc [đạt mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt], nhiều khả năng chúng tôi sẽ không có đủ năng lượng trong mùa đông”, ông nói với Financial Times.
Ông Müller cho biết Đức cũng sẽ cần thêm khoảng 10 gigawatt giờ (GWh) nguồn cung khí đốt từ những nơi khác để bù đắp khối lượng còn thiếu từ Nga, phần lớn đến từ khí hóa lỏng (LNG) của các quốc gia như Mỹ. Con số này tương đương với khoảng 9% tổng lượng tiêu thụ khí đốt của Berlin. Đức cũng sẽ phải phụ thuộc vào khí đốt từ những người hàng xóm châu Âu.
Ông Müller cảnh báo rằng về lâu dài, chi phí để chấm dứt sự phụ thuộc của Đức vào Nga sẽ là “giá khí đốt rất cao”, có thể gây thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh. Ông nói: “Một số hoạt động sản xuất có thể rời khỏi Đức vì khí đốt đã trở nên quá đắt đỏ”.
Đức đã lo sợ về một cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ khi gã khổng lồ Gazprom của Nga cắt nguồn cung qua đường ống Nord Stream vào giữa tháng 6. Sau hai lần cắt giảm, hiện đường ống này chỉ hoạt động ở 20% công suất.
Sự sụt giảm nguồn cung gần đây khiến giá khí đốt tăng từ khoảng 66 EUR/megawatt giờ (EUR/MWh) vào đầu năm lên 226,05 EUR/MWh (tính đến phiên 15/8).
Cuối tuần qua, Bộ Kinh tế Đức đã yêu cầu doanh nghiệp và chính quyền địa phương không để nhiệt độ phòng quá 19 độ C trong mùa đông.
Berlin hiện đang trong giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp gồm ba mức độ. Nếu đến giai đoạn cuối cùng, BNA sẽ phải quyết định xem doanh nghiệp nào nhận được khí đốt, doanh nghiệp nào không.
Ông Müller thừa nhận áp lực khi phải chịu trách nhiệm cho một quyết định có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn doanh nghiệp là rất lớn. Ông nói: “Giống như tôi đang vác trên vai cả dãy Alps vậy. Nhưng tất cả chỉ là để thoát khỏi tình huống tồi tệ nhất”.
Ông cho biết BNA đang cân nhắc xem công ty nào nên được ưu tiên trong trường hợp giới hạn mức tiêu thụ khí đốt được thông qua.
Người đứng đầu BNA nói: “Bạn cần phải xác định ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng những sản phẩm quan trọng, công ăn việc làm của người dân, hoạt động sản xuất và chuỗi giá trị nếu cắt giảm khí đốt cho một doanh nghiệp nhất định".
Ông Müller đã nêu ví dụ về các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực như đóng gói hay logistics đang sản xuất hộp đựng hàng hóa thiết yếu, chẳng hạn như thuốc men hay thực phẩm. Ông nói những doanh nghiệp này có thể được coi là “có liên đến hệ thống [cung ứng]”.
Chỉ cầm cự nổi 2,5 tháng
Chìa khóa để Đức trụ vững qua mùa đông năm nay là lượng khí đốt dự trữ. Các doanh nghiệp vận hành kho chứa đang được yêu cầu phải nâng mức dự trữ lên 75% vào ngày 1/9, 85% vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11.
Hôm 13/8, Đức đã hoàn thành mục tiêu 75% kho chứa khí đốt trước hai tuần so với kế hoạch, do các biện pháp tiết kiệm năng lượng và giá thành cao khiến nhu cầu sử dụng giảm. Tuy nhiên, ông Müller cho rằng hai cột mốc sau “tham vọng hơn nhiều”.
Ông cảnh báo rằng ngay cả khi tất cả bồn chứa được lấp đầy, Đức cũng sẽ chỉ có đủ khí đốt cho khoảng 2,5 tháng nếu Nga đóng van. Và ước tính này dựa trên điều kiện rằng mùa đông không lạnh giá một cách bất thường.
Ông nói: “Đức cần khí đốt cho hai mùa đông, chứ không phải một. Và sẽ thật không khôn ngoan nếu dùng hết khí đốt cho năm sau”.
Đức muốn loại bỏ khí đốt của Nga vào mùa hè năm 2024 và các bộ trưởng đã lùng sục khắp thế giới để có được các lô hàng LNG. Nước này cũng thuê một số cảng tiếp nhận LNG nổi (FSRU). Hai cảng FSRU sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 và Berlin cũng đang xây thêm ba cảng tiếp nhận khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc kiếm đủ LNG sẽ là một thách thức. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công suất LNG toàn cầu sẽ tăng chậm trong ba năm tới do hậu quả của việc cắt giảm đầu tư từ giữa những năm 2010 và sự chậm trễ trong xây dựng.
Ông Müller cho biết mục tiêu chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2024 phụ thuộc vào “rất nhiều ẩn số” nhưng sẽ “khả thi” nếu Đức có 6 FSRU, nhận thêm khí đốt từ những người hàng xóm và giảm tiêu thụ công nghiệp.
Trong trường hợp khẩn cấp về khí đốt vào mùa đông, chính phủ Đức sẽ không cắt khí đốt của các hộ gia đình. Nhưng ông Müller cảnh báo rằng những người dân “không được quyền tiêu thụ một lượng lớn khí đốt”.
Ông cũng thừa nhận rằng các nhà chức trách không có cách nào khiến người tiêu dùng sử dụng ít nhiên liệu hơn.