|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu đối phó thế nào khi không có khí đốt Nga?

09:00 | 31/07/2022
Chia sẻ
27 quốc gia thành viên EU đang chuẩn bị cho một mùa Đông đầy khó khăn khi không có khí đốt từ Nga.
Biểu tượng tập đoàn năng lượng Gazprom tại trạm xăng ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ thời điểm áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã lường trước được việc Nga sẽ sử dụng vị thế là nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch để gây bất ổn cho khối này.

27 quốc gia thành viên EU đang chuẩn bị cho một mùa Đông đầy khó khăn. Hôm 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày một gói đề xuất nhằm giúp cho các quốc gia thành viên đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.

"Khi chúng tôi lên kế hoạch chuẩn bị cho mùa Đông, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình huống xấu nhất", người phát ngôn của EC Éric Mamer cho biết. Trên thực tế, đã có dấu hiệu cho thấy châu Âu sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga.

Vào tháng 6/2021, có 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu hàng năm vào EU đến từ Nga, tương đương khoảng 155 tỷ mét khối. Tuy nhiên, thị phần của Nga trong nhóm khí đốt châu Âu hiện chỉ còn 20%. Do đó, từng bước chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga chắc chắn là chiến lược được người châu Âu theo đuổi. EC đã đề xuất kế hoạch RePowerEU vào tháng Năm vừa qua nhằm đạt được điều này. 

Một nguồn tin châu Âu cho biết, "có tin đồn về việc loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2027, nhưng tình huống trớ trêu là chính Nga đang rút khỏi một số hợp đồng, điều đang gây ra sự hỗn loạn mà chúng ta đang phải đối mặt".

"Gã khổng lồ" khí đốt Gazprom đã lần đầu tiên cắt nguồn cung cấp cho Ba Lan, Bulgaria vào tháng Tư, sau đó đến tháng Năm, nước này tiếp tục cắt nguồn cung tới Đan Mạch, Phần Lan và Hà Lan, những nơi mà các công ty khí đốt từ chối thanh toán hóa đơn bằng đồng ruble như Điện Kremlin đã yêu cầu trong một nỗ lực để lách các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Sau đó, Gazprom bắt đầu giảm dòng chảy sang các nước như Đức và Italy, những nước tiêu thụ khí đốt lớn của Nga. Đức qua biển Baltic, bị đóng cửa để bảo trì vào ngày 11/7.

Tiếp đến, ngày 25/7, Gazprom thông báo họ buộc phải dừng hoạt động của một động cơ tuabin khí khác tại trạm máy nén Portovaya (CS) do đến hạn đại tu. Do vấn đề này, lưu lượng qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm một nửa so với lưu lượng hiện tại.

Đa dạng hóa đáng kể nhưng không đủ

Trong nhiều tháng, EC đã làm việc không ngừng để đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt của mình. EC đã yêu cầu Na Uy, Algeria, Qatar, Nigeria, Ai Cập, Israel và Mỹ tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hoặc khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Việc này không phải không có tiến triển. Theo EC, kể từ đầu năm, nguồn cung khí đốt và LNG "không phải của Nga" đã tăng lần lượt 14 tỷ mét khối (bcm) và 21 bcm. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo tại Baku hôm 18/7 rằng bà đã đạt được thỏa thuận với Azerbaijan để tăng lượng khí đốt cung cấp cho EU lên 12 bcm vào cuối năm và đạt 20 bcm mỗi năm kể từ năm 2027.

Khó khăn hiện nay là thị trường đang rất căng thẳng. Việc đạt được mục tiêu đặt ra để các quốc gia thành viên hoàn thành nhiệm vụ lấp đầy dung lượng lưu trữ của họ lên tới 80% vào tháng Mười giờ đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Để đối phó với việc cắt giảm tổng lượng khí đốt của Nga, mức dự trữ phải đạt ít nhất 90% để hy vọng vượt qua mùa Đông mà không bị thiếu hụt, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo hôm 18/7 và kêu gọi EU tỉnh táo.

EC cũng đề nghị các quốc gia thành viên tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ tháng 8/2022 đến tháng 2/2023 để tồn tại qua mùa Đông sắp tới và đồng thời mở đường cho việc loại bỏ khí đốt của Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu IEA Fatih Birol cảnh báo rằng tiết kiệm 15% khí đốt là không đủ để tồn tại cho đến mùa Xuân năm sau và châu Âu cần phải giảm mức tiêu thụ ít nhất 20%.

Nỗ lực của từng quốc gia được yêu cầu khác nhau. Tỷ lệ giới hạn này sẽ là 6% đối với Bỉ, 29% đối với Đức, 50% trở lên đối với Phần Lan, các nước Baltic, Hungary, Bulgaria hoặc Hy Lạp.

Mặc dù vậy, vài giờ sau cảnh báo của ông Birol, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã lần lượt từ bỏ kế hoạch của Ủy ban châu Âu.

Một chiến lược chung

Kế hoạch mà EC trình bày hôm 20/7 là sự trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên về trạng thái tồn kho và điều phối. EC cũng kêu gọi các lĩnh vực công nghiệp ủng hộ các nguồn nhiên liệu khác - bao gồm than đá và hạt nhân - và đề nghị các quốc gia thành viên tạo cơ chế khuyến khích để thúc đẩy các công ty giảm tiêu thụ.

Bên cạnh đó là đề xuất các tòa nhà công cộng giảm hệ thống sưởi hoặc giảm điều hòa nhiệt độ, và thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư.

Theo trang Politico, EC đang xem xét một cơ chế ràng buộc để giảm tiêu thụ khí đốt trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn. Khó khăn đối với EC là xem "đặt con trỏ ở đâu". Tuy nhiên, điều rõ ràng là EC cần một công cụ chung để tránh việc các quốc gia thành viên đưa ra những quyết định đơn phương sẽ có "tác dụng phụ" đối với các nước khác".

Hương Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.