Dù không phong tỏa đất nước, Thủ tướng Anh vẫn tự tin sẽ xoay chuyển đại dịch COVID-19 trong 12 tuần
Đến nay, theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins, Anh đã ghi nhận ít nhất 2.707 ca nhiễm COVID-19 và 137 ca tử vong trên toàn quốc.
"Chúng tôi có thể xoay chuyển tình thế trong vòng 12 tuần và tôi hoàn toàn tin tưởng nước Anh có thể đẩy lùi được đại dịch COVID-19 nếu áp dụng đúng các bước mà chúng tôi đã vạch ra", Thủ tướng Boris Johnson phát biểu trước báo giới.
Sau đó, ông cho biết bản thân không thể nói rõ liệu tình hình đại dịch COVID-19 tại Anh có thể lắng dịu vào cuối tháng 6 hay không.
Ông Johnson nói thêm rằng chính phủ Anh có thể áp thêm các biện pháp hạn chế tại thủ đô London, khi có nhiều bằng chứng cho thấy dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng tại thành phố này.
Nhà lãnh đạo cho hay người dân không hoàn toàn tuân thủ lời khuyên nên ở yên trong nhà của chính phủ Anh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ Anh không có dự định dừng hoạt động giao thông công cộng tại London. Bình luận của ông Johnson được đưa ra trong bối cảnh người dân London đang đồn đoán về khả năng phong tỏa thành phố với khoảng 9 triệu dân này.
Đầu ngày 19/3, Phố Downing (Văn phòng chính phủ Anh) đã phủ nhận thông tin trên, cho biết "không có khả năng" thủ đô London bị phong tỏa và áp lệnh hạn chế di chuyển như ở các nước châu Âu khác.
Khác với Italy, Tây Ban Nha và Đức, chính phủ Anh không áp bất kì biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Thay vào đó, chính phủ nước này cho đến nay chỉ đưa ra các khuyến nghị khuyên người dân nên ở yên trong nhà và làm việc tại nhà nếu có thể, cũng như tạm ngừng mọi liên lạc xã hội.
Chính quyền ông Johnson chưa đưa ra lệnh buộc đóng cửa quán bar, nhà hàng, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, viện bào tàng và nhà thờ.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân London đang thay đổi khi ngày càng có ít người xuất hiện trên đường phố, người lao động làm việc tại nhà và giao tiếp xã hội giảm xuống mức tối thiểu.
Theo CNBC, Transport for London (TfL) - cơ quan giao thông vận tải của London, hôm 18/3 thông báo rằng họ sẽ đóng cửa 40 trạm tàu điện ngầm để tạo điều kiện cho "người lao động chủ chốt" dễ dàng công tác. "Người lao động chủ chốt" là cách TfL gọi các nhân viên dịch vụ công như trường học và bệnh viện.