|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh rút vốn khỏi Trung Quốc, bày tỏ bi quan về thương chiến

11:09 | 12/09/2019
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang tăng tốc hoạt động di chuyển khỏi đại lục vì thuế quan tăng tiếp tục gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ. Đây là kết quả rút ra từ một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải công bố ngày 11/9.
106085060-1566155245522gettyimages-1143921300

Ảnh: AFP

Hơn 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát, tương đương 26,5%, cho hay trong năm vừa qua, họ đã chuyển hướng đầu tư mà ban đầu dự kiến rót vào thị trường Trung Quốc sang các khu vực khác.

So với năm ngoái, con số này tăng khoảng 6,9 điểm phần trăm. Cũng theo bản báo cáo, các ngành công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ là nhóm ngành thay đổi điểm đầu tư nhiều nhất.

AmCham đã hợp tác cùng PwC để tiến hành khảo sát 333 doanh nghiệp thành viên của cơ quan này. Thời gian khảo sát kéo dài từ 27/6 - 25/7, tức là rơi vào giai đoạn Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán thương mại và trước khi hai bên leo thang căng thẳng bằng tuyên bố tăng thuế lẫn nhau.

Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc đại lục cũng cho biết, các hạn chế liên quan đến quá trình tiếp cận thị trường nội địa khiến họ khó khăn trong việc triển khai hoạt động kinh doanh hơn.

Khi được hỏi về kịch bản khả quan nhất trong đàm phán thương mại song phương, hơn 40% doanh nghiệp nhận định, cơ hội tiếp cận thị trường nội địa tốt hơn sẽ là kết quả giữ vai trò quan trọng nhất cho thành công của họ ở Trung Quốc.

Trong khi đó, có 28% doanh nghiệp cho rằng cải thiện chính sách sở hữu trí tuệ là chìa khóa giúp họ giành được chỗ đứng tại thị trường tỉ dân, CNBC dẫn kết quả khảo sát của AmCham cho hay.

Kết quả đáng mong đợi thứ ba từ đàm phán thương mại là Trung Quốc "tăng mua hàng hóa Mỹ", chiếm 14,3%. Kì vọng này trái ngược với nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump, khi mà họ thậm chí buộc phải gây sức ép để Trung Quốc mua thêm sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là nông sản. 

Khó khăn khi tiếp cận thị trường

Một trong những vấn đề doanh nghiệp Mỹ phàn nàn khi hoạt động tại Trung Quốc là nhiều ngành nghề tại thị trường tỉ dân không cho phép công ty nước ngoài chen chân vào.

Trong các lĩnh vực cởi mở hơn, họ cũng khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân hưởng lợi từ mối quan hệ hoặc chính sách của Bắc Kinh.

Loạt cáo buộc về hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ quan trọng cho đối tác Trung Quốc và thiếu luật bảo vệ sở hữu trí tuệ chỉ là một vài trong số các thách thức doanh nghiệp Mỹ chỉ ra khi vận hành tại Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất của AmCham cho thấy, cơ hội tiếp cận thị trường nội địa vẫn là một trong những vấn đề chính mà doanh nghiệp gặp phải, với hơn một nửa công ty tham gia khảo sát (hay 56,4%) cho biết họ không dễ gì xin được giấy phép hoạt động.

Xét theo yếu tố ngành nghề, ngân hàng, tài chính và bảo hiểm là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp muốn Bắc Kinh cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nhất.

81% số doanh nghiệp được hỏi trong lĩnh vực này đang tìm kiếm một môi trường knh doanh thuận lợi hơn, mặc dù chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố trong 18 tháng qua rằng họ sẽ nới lỏng các qui định về chủ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng ghi nhận mức cải thiện chung trong gần như toàn bộ vấn đề mà họ quan tâm, bao gồm chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết Bắc Kinh đối xử với công ty nước ngoài và trong nước bình đẳng với nhau đã tăng từ 34% lên 40% trong khảo sát mới nhất.

Thuế quan cũng gây hại cho doanh nghiệp Mỹ

Theo báo cáo tháng 8 của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, mức độ hiện diện của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn còn rất lớn, khi mà doanh số của họ tại thị trường tỉ dân đạt hơn 450 tỉ USD.

Phân tích trên cũng chỉ ra, con số 450 tỉ này còn cao hơn gấp đôi giá trị hàng hóa và dịch vụ Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, thuế quan trừng phạt từ hai phía đang ảnh hưởng đến doanh thu và khiến một số doanh nghiệp Mỹ thay đổi chiến lược ở thị trường Trung Quốc.

Nếu Mỹ áp thuế như đã đe dọa, gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều phải "gánh" thuế vào cuối năm nay. Để đáp trả, Bắc Kinh cũng công bố chính sách thuế quan đối với hàng hóa Mỹ của riêng họ.

Hơn một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát của AmCham cho biết doanh thu sụt giảm do thuế quan tăng. Một phần ba trong số này nói rằng họ giảm từ 1 - 10% doanh thu vì bị tăng thuế.

Theo báo cáo của AmCham, khả năng sinh lời chung không giảm trong năm 2018. Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp cho hay doanh thu và biên lợi nhuận của họ đã giảm vào năm ngoái, đặc biệt là khi so sánh với hoạt động ở các quốc gia khác.

Le lói chút điểm sáng ở Trung Quốc

Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng phát hiện một số khía cạnh lạc quan trong nhóm doanh nghiệp này.

Dược phẩm, thiết bị y tế và khoa học đời sống là một ngành mà doanh nghiệp tham gia khảo sát ghi nhận doanh thu tăng vào năm ngoái. Lĩnh vực này cũng xếp thứ hai trong số những ngành lạc quan nhất về triển vọng kinh doanh năm 2019.

Theo báo cáo của AmCham, có được triển vọng tích cực này "nhiều khả năng là nhờ các thay đổi chính sách của Bắc Kinh, trong đó có qui trình phê duyệt thuốc ngoại nhanh chóng".

Hai phần ba doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp dự định tăng đầu tư trong năm 2019.

Đây là ngành ghi nhận tín hiệu lạc quan nhất trong cuộc khảo sát. Các doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng cũng có ý định đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là tại các thành phố nhỏ nơi nhiều nhà phân tích còn nhìn thấy cơ hội tăng trưởng lớn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai cường quốc kinh tế. Trong số các công ty được hỏi, 35% dự đoán căng thăng thương mại sẽ tiếp diễn trong 1 - 3 năm nữa, trong khi gần 13% nhận định nó sẽ kéo dài trong 3 - 6 năm.

Tuy nhiên, 17% thậm chí còn bi quan hơn khi dự đoán xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài vô tận.

Khả Nhân