Đô thị học cảnh quan (Landscape Urbanism) là gì? Nguyên tắc chủ đạo
Đô thị học cảnh quan
Khái niệm
Đô thị học cảnh quan trong tiếng Anh được gọi là Landscape Urbanism.
Đô thị học cảnh quan là một lí luận về qui hoạch và thiết kế đô thị dựa trên lập luận rằng 'cảnh quan tự nhiên' chính là thành tố cơ sở để cấu trúc nên đô thị và nâng cao chất lượng không gian đô thị, chứ không phải là các yếu tố nhân tạo như đường sá và công trình trong như cách tiếp cận qui hoạch thông thường.
Đô thị học cảnh quan xem cảnh quan tự nhiên là một loại 'cơ sở hạ tầng' có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển lành mạnh của đô thị, và vì vậy việc hiểu điều kiện tự nhiên bản địa là 'khâu' đặt nền móng cho công tác qui hoạch và thiết kế đô thị.
Đô thị học cảnh quan ra đời từ nhận thức về những vấn đề bất cập trong sự phát triển đương đại tại nhiều quốc gia mà phần nhiều là do 'lạm dụng' chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc và đô thị.
Thuật ngữ đô thị học cảnh quan tuy mới ra đời (cuối những năm 1990) nhưng đô thị học cảnh quan đã trở thành một trào lưu khá vững chắc trong nghiên cứu và thực hành qui hoạch, thiết kế đô thị trên thế giới.
Trong bối cảnh qui hoạch và phát triển tại Việt Nam hiện nay, khi phương pháp qui hoạch truyền thống đã trở nên không còn phù hợp với cuộc sống đương đại, nếu không muốn nói là đang rất có vấn đề, đô thị học cảnh quan có tiềm năng trở thành một hướng tiếp cận hiệu quả, phản ánh tính đa ngành của công tác qui hoạch đô thị.
Một phương pháp nhằm nhận diện và sử dụng tiềm năng tự nhiên và đặc trưng sinh thái của địa phương cho mục tiêu phát triển bền vững.
5 nguyên tắc chủ đạo
James Corner, giáo sư Đại học Pensylvania, Hoa Kỳ, một trong những người đặt nền móng cho đô thị học cảnh quan, trong bài viết có tiêu đề "Terra Fluxus" đã đề xuất năm nguyên tắc chủ đạo của lĩnh vực đô thị học cảnh quan, đó là:
- Bình diện (horizontality): quan tâm đến vấn đề địa hình, địa mạo, bề mặt lãnh thổ trong quá trình qui hoạch và thiết kế; không nên lệ thuộc thái quá vào các giải pháp khoa học kĩ thuật và các cấu trúc nhân tạo như đê, kè, cầu, cống.
- Hạ tầng (Infrastructures): không nên quá chú trọng đến cơ sở hạ tầng kĩ thuật như đường sá, sân bay... như cách chúng ta vẫn thường làm, mà ngược lại, cần đặc biệt quan tâm đến những hạ tầng hữu cơ, những hệ thống "hạ tầng tự nhiên" sẵn có như hệ thống nước, hệ thống cây xanh...
- Cấu trúc biến đổi (Forms of Process): khi qui hoạch hay thiết kế, tức là tạo dựng một "form", chúng ta cần hiểu về các quá trình diễn ra trong "form" và của chính "form". Như vậy, "form" được tạo ra không nên là các định dạng vật thể cố định, tĩnh, mà phải là các 'cấu trúc' cho phép sự biến đổi và cho phép các quá trình diễn ra.
- Kĩ thuật (Techniques): cần có những sáng kiến để điều chỉnh các giải pháp kĩ thuật cho phù hợp với điều kiện môi trường đặc thù của từng địa điểm. Điều này có nghĩa là cần áp dụng một cách thận trọng và chọn lọc giải pháp của nơi này cho một nơi khác.
- Sinh thái (Ecology): đời sống của chúng ta gắn bó và tương tác với môi trường, và vì vậy chúng ta phải tôn trọng, nâng niu môi trường sinh thái khi tạo dựng môi trường đô thị.
(Tài liệu tham khảo: Phương pháp tiếp cận mới trong qui hoạch và thiết kế đô thị, kinh nghiệm từ các workshop quốc tế, chủ đề "Hà Nội - Đô thị nước", PGS,TS. Phạm Thúy Loan, Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, Trường Đại học Xây dựng, 2012)