|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Định mức tiêu dùng nguyên vật liệu là gì? Phương pháp xây dựng

15:20 | 26/11/2019
Chia sẻ
Định mức tiêu dùng nguyên vật liệu là lượng tiêu dùng nguyên vật liệu lớn nhất cho phép để sản xuất một đơn vị sản phẩm hay là để hoàn thành một công việc nào đó trong những điều kiện tổ chức và kĩ thuật nhất định của sản xuất.
Định mức tiêu dùng nguyên vật liệu (Consumption Norms of Raw Material) là gì? Tác dụng và phương pháp xây dựng định mức - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: eltarget.com)

Định mức tiêu dùng nguyên vật liệu

Khái niệm

Định mức tiêu dùng nguyên vật liệu là lượng tiêu dùng nguyên vật liệu lớn nhất cho phép để sản xuất một đơn vị sản phẩm hay là để hoàn thành một công việc nào đó trong những điều kiện tổ chức và kĩ thuật nhất định của sản xuất.

Tác dụng của Định mức tiêu dùng nguyên vật liệu

Tác dụng của định mức tiêu dùng nguyên vật liệu bao gồm:

- Là cơ sở, căn cứ quan trọng để kế hoạch hóa, tính toán kiểm tra và đánh giá các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và tiêu dùng nguyên vật liệu nói riêng của doanh nghiệp.

- Là cơ sở để lập cân đối nguyên vật liệu của doanh nghiệp, từ đó xác định mối quan hệ cung ứng và kí kết hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp và tổ chức cung ứng.

- Là căn cứ trực tiếp để tổ chức cấp phát nguyên vật liệu một cách hợp lí, kịp thời cho các bộ phận sản xuất.

- Là mục tiêu cụ thể để thúc đẩy công nhân viên sử dụng hợp lí, tiết kiệm nguyên vật liệu.

- Là thước đo trình độ tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất, căn cứ để thực hiện hạch toán kinh tế…

Phương pháp xây dựng định mức tiêu dùng nguyên vật liệu

Phương pháp xây dựng định mức tiêu dùng nguyên vật liệu có ý nghĩa quyết định tới chất lượng của định mức. Tùy theo những đặc điểm về kinh tế - kĩ thuật và các điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp mà lựa chọn các phương pháp xây dựng mịnh mức thích hợp.

Thực tế hiện nay có 3 phương pháp chính:

1. Phương pháp thống kê kinh nghiệm

Phương pháp thống kê kinh nghiệm được xác định trên cơ sở của phương pháp bình quân gia truyền, theo các kết quả tiêu dùng nguyên vật liệu ở các kì trước đó.

Phương pháp này tuy chưa thật chính xác và khoa học nhưng đơn giản, dễ vận dụng.

Thường được áp dụng ở các doanh nghiệp có mặt hàng sản xuất không ổn định.

2. Phương pháp thực nghiệm

Phương pháp thực nghiệm là phương pháp dựa vào kết quả của các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, sau đó kết hợp với những điều kiện sản xuất nhất định để kiểm tra, sửa đổi các kết quả đã tính toán hay tiến hành sản xuất thử một thời gian, nhằm xác định mức tiêu dùng nguyên vật liệu cho kì kế hoạch.

Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là chưa tiến hành phân tích toàn diện các nhân tố ảnh hưởng, các điều kiện thí nghiệm chưa thật sự phù hợp với điều kiện sản xuất, chi phí và thời gian thực hiện lớn.

3. Phương pháp phân tích

Phương pháp phân tích là phương pháp thực hiện việc tính toán về kinh tế và kĩ thuật với việc phân tích toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến lượng tiêu hao nguyên vật liệu trong quá tình sản xuất để xác định mức tiêu dùng nguyên vật liệu cho kì kế hoạch.

Phương pháp này có ưu điểm là đã phân tích toàn diện các nhân tố ảnh hưởng, do đó nó có mức độ chính xác cao, xong chi phí tiến hành và thời gian thực hiện cũng cao hơn.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế và tổ chức quản lí sản xuất trong doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, NXB Đại học Xây dựng)

Đức Nhượng