|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Định hướng vị chủng (Ethnocentric Orientation) là gì?

21:46 | 03/01/2020
Chia sẻ
Định hướng vị chủng (tiếng Anh: Ethnocentric Orientation) là khuynh hướng coi các giá trị văn hóa của mình là chuẩn mực để đánh giá các nền văn hóa khác.
Định hướng vị chủng (Ethnocentric Orientation) là gì? - Ảnh 1.

Định hướng vị chủng

Khái niệm

Định hướng vị chủng trong tiếng Anh là Ethnocentric Orientation.

Định hướng vị chủng là khuynh hướng coi các giá trị văn hóa của mình là chuẩn mực để đánh giá các nền văn hóa khác. Hầu hết mỗi người đều có xu hướng nhìn thế giới chủ yếu qua lăng kính của nền văn hóa của chính mình. 

Chính vì vậy, khuynh hướng vị chủng phổ biến ở mọi xã hội với niềm tin rằng chủng tộc, tôn giáo, nhóm sắc tộc,... của mình là ưu việt hơn hẳn những người khác. 

Các thuật ngữ liên quan

Howard Perlmutter đã mô tả các quan điểm vị chủng như là "khuynh hướng quê hương" (home-country orientation). Ông lập luận rằng các nhà quản lí tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế nên từ bỏ các định hướng vị chủng và thay vào đó là các định hướng đa tâm (polycentric) và định hướng toàn cầu (geocentric).

Định hướng đa tâm (polycentric orientation) là việc thay vì nhìn mọi việc qua lăng kính "quê hương" của mình, người quản lí nên xây dựng định hướng kinh doanh theo quan điểm của đất nước mà họ đang kinh doanh.

Định hướng toàn cầu (geocentric orientation) đề cập đến một quan niệm toàn cầu theo đó doanh nhân tiến hành kinh doanh ở mọi thị trường mà không cần quan tâm tới các biên giới quốc gia. Đây chính là một định hướng có sự cởi mở đối với tính đa dạng của các nền văn hóa và sự nhận thức về sự đa dạng này.

Phân biệt định hướng vị chủng và định hướng đa tâm

Trong kinh doanh, thuật ngữ định hướng vị chủng là khi một công ty không phân biệt thị trường trong và ngoài nước; và áp dụng các kĩ thuật tương tự ở thị trường nước ngoài cho marketing nội địa. Định hướng đa tâm trái ngược với định hướng vị chủng.

Thuật ngữ định hướng đa tâm có nghĩa là mỗi một thị trường nước ngoài lại không giống nhau, nên cần phải thay đổi phương pháp kĩ thuật và con người sao cho phù hợp nhất với các điều kiện tại thị trường đó. Trên cơ sở này, xuất hiện những điểm khác biệt sau:

- Theo định hướng vị chủng, các hoạt động ở nước ngoài là thứ yếu so với hoạt động trong nước, còn theo định hướng đa tâm, hoạt động ở cả trong và ngoài nước là quan trọng như nhau.

- Theo định hướng vị chủng, các hoạt động marketing quốc tế được kiểm soát từ nước sở tại trong khi theo định hướng đa tâm, các công ty con được thành lập ở tất cả các thị trường nước ngoài. Các công ty con được toàn quyền tự do trong việc đóng khung và thực hiện các chính sách. 

- Định hướng vị chủng là phù hợp khi doanh số bán hàng ở nước ngoài không đáng kể so với tổng doanh số của công ty. Định hướng đa tâm phù hợp khi công ty thực hiện các hoạt động marketing quốc tế.

(Tài liệu tham khảo: Owlgen, Giáo trình Kinh doanh quốc tế, NXB Thống kê)

Ích Y