Định giá dự án hơn trăm tỉ trên Shark Tank Việt Nam, hai cô gái được gọi là 'người ngoài hành tinh'
Cải thiện thu nhập cho bác sĩ
Đến từ Cộng đồng công nghệ sức khỏe DrExpedia, nữ kỹ sư công nghệ Kim Phụng và nữ sinh viên y khoa Hồng Nguyên gọi vốn 5,5 tỉ đồng đổi lấy 5% cổ phần (dạng trái phiếu chuyển đổi) trên Shark Tank Việt Nam.
Nữ kỹ sư công nghệ Kim Phụng (bên phải) và nữ sinh viên y khoa Hồng Nguyên (bên trái) – đồng sáng lập Cộng đồng công nghệ sức khỏe DrExpedia trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Hai nhà sáng lập chia sẻ, dự án ra đời nhằm giúp các bác sĩ có thêm thu nhập theo đuổi đam mê của họ, đồng thời giúp bệnh nhân giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh và tạo ra các công nghệ ứng dụng cho y tế Việt Nam.
DrExpedia gồm ba sản phẩm chính là: nền tảng y tế chia sẻ DrExpedia.com cho phép người dùng kết nối với các phòng tập gym, bác sĩ, dược sĩ để sử dụng các dịch vụ cao cấp y tế. Sản phẩm thứ hai là thiết bị theo cơ thể (Wearable device) được thiết kế theo dạng OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc). Giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp DrExpedia Cloud là sản phẩm thứ ba.
Định giá dự án 110 tỉ đồng
Điểm đáng chú ý là DrExpedia chưa thành lập doanh nghiệp nhưng chỉ dựa vào 3 sản phẩm, hai nhà sáng lập định giá doanh nghiệp ở mức 110 tỉ đồng.
Choáng váng trước con số của startup, Chủ tịch tập đoàn NextTech - Nguyễn Hòa Bình - lập tức tuyên bố không đầu tư.
"Từ đầu vào các em cho anh một loạt key word làm anh say xẩm mặt mày, nào là iOT, AI, Cloud, computer vision. Anh làm doanh nghiệp công nghệ được khoảng 20 năm rồi, ngay ở Việt Nam các công nghệ em vừa nói được ứng dụng còn rất hạn hẹp và nó đều là thuật ngữ "chém" cho tương lai. Các em tự định giá 110 tỉ đồng có khi các em không phải người của trái đất. Anh không đầu tư vì em là người của hành tinh khác", ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Tham vọng vươn ra toàn cầu
Sau lời từ chối dứt khoát của ông chủ NextTech, nhà sáng lập tha thiết kêu gọi các nhà đầu tư cơ hội lắng nghe để họ được trình bày hết phần thuyết trình.
Hồng Nguyên cho hay, nguồn thu của DrExpedia đến từ 4 phần: cung cấp nhân sự y tế để trí tuệ nhân tạo giúp chuẩn đoán dữ liệu y khoa; cung cấp cho các thị trường chiến lược ở Canada, Campuchia và Thái Lan, thiết bị telemedicine, đồng hồ thiết bị đeo tay; cung cấp giải pháp số hóa cho các doanh nghiệp thông qua Cloud, AI, 5G, Blockchain; sản phẩm trí tuệ mà họ đăng kí ở Mỹ và Canada.
Nữ kỹ sư công nghệ bày tỏ tham vọng gia nhập cuộc chơi ở hai nền tảng Medicare Tech và Care Tech với những dịch vụ vươn ra toàn cầu.
"DrExpedia có thể duy trì trong suốt 1 năm qua mà không mất nhiều chi phí vì có đội ngũ công nghệ thông tin có thể nhận dự án out source (thuê ngoài). Và em cũng là người dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, từng làm cho nhiều công ty quốc tế lớn", Kim Phụng tự tin chia sẻ.
Dẫu vậy, dự án đầy mơ mộng này không thể lọt vào "mắt xanh" của nhà đầu tư.
"Yếu tố quan trọng nhất khi em khởi nghiệp là phải nhìn thấy bước đi cụ thể. Anh thấy hai em đang mông lung như trò đùa. Cái em nói nếu như chưa nghe bao giờ thì nghe rất hay nhưng với người hiểu biết, cái em nói rất chi là mơ mộng. Anh biết rằng cái em có chính là tuổi trẻ, cái anh có chính là kinh nghiệm. Nhưng nếu em đi sai, em sẽ mất tuổi trẻ, mất niềm tin. Và niềm tin đó sẽ làm cho em khó thành công", ông Nguyễn Mạnh Dũng thẳng thắng nhận xét.
Giải đáp về số vốn rót thực tế nếu nhà đầu tư đổ vào để lấy 5,5%, hai nhà sáng lập cho hay, họ sẵn sàng rót đủ số cổ phần còn lại vì nhà đầu tư thiên thần của DrExpedia sẵn sàng cho mượn để lấp vào con số 95% cổ phần còn lại.
Dàn "cá mập" trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
5 nhà đầu tư "lắc đầu"
Cho rằng bắt "cá mập" bỏ 5 tỉ đồng cho 5,5% cổ phần là con số vô lý, hơn nữa, startup chưa có phương án kinh doanh thuyết phục, nên ba doanh nhân Đỗ Liên, Nguyễn Thanh Việt và Phạm Thanh Hưng đều từ chối đầu tư.
Trước khi kết thúc thương vụ, Kim Phụng mạnh dạn hỏi ông Bình lý do rút lui quá sớm, đến mức không cho cô có cơ hội trình bày. Bởi ngoài mục đích kêu gọi số vốn 5 tỉ đồng, họ còn muốn nhận sự đồng hành từ ông.
Chủ tịch NextTech chia sẻ, ông nhìn thấy hình ảnh của bản thân 20 năm trước trong con người hai nhà sáng lập. Vì vậy, ông đồng ý làm cố vấn cho startup.
"Làm kinh doanh phải tập trung một cái thôi, không lan man. Thứ hai, tập trung vào nhu cầu thị trường và bán như thế nào. Thứ ba là vấn đề tiền, Shark Tank là sân chơi chỉ nói về tiền thôi, lợi nhuận như thế nào", ông Bình đưa ra lời khuyên.