Điểm danh 3 rủi ro đe dọa kinh tế châu Á năm 2018
Những tác động tiêu cực chưa được thể hiện một cách đầy đủ, nhưng các vấn đề này có thể làm suy yếu nền kinh tế châu Á nếu áp lực toàn cầu tăng lên.
Cảnh báo chính thức
Các ngân hàng trung ương châu Á và chính phủ đều nhận thức được những rủi ro này.
"Các gia đình có thu nhập thấp và người đi vay từ 50 tuổi trở lên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lãi suất tăng 100 điểm cơ bản", ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết trong báo cáo hàng năm gửi lên Quốc hội quốc gia này.
Trong khi, ngân hàng trung ương Malaysia, dự báo tỷ lệ còn trống của các văn phòng tại Klang Valley, hoặc khu vực Greater Kuala Lumpur, sẽ đạt 32% vào năm 2021 và cảnh báo rằng sự mất cân bằng tài sản gây ra những rủi ro đáng kể đối với toàn bộ nền kinh tế Malaysia.
"Những diễn biến gần đây trên thị trường bất động sản đang gây ra những rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định. Những người tham gia thị trường nên nhận định trong trung hạn về biến động cung – cầu và hành động một cách thận trọng”, ngân hàng Trung ương Singapore cho biết trong cuộc kiểm tra về ổn định tài chính.
Chỉ đánh giá từ các dự báo tăng trưởng toàn cầu và khu vực trong năm 2018, những cảnh báo như vậy dường như quá cường điệu.
Tiền thuê nhà tăng cao tại Jakarta và những trung tâm lớn ở châu Á. Ảnh: Reuters. |
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 3,7% theo giá trị thực, tăng so với mức 3,6% trong năm 2017. Tại châu Á, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 7,4%, tăng từ mức 6,7% vào năm ngoái. 5 thành viên chính của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam được dự báo đạt tăng trưởng 5,2%, duy trì tốc độ năm ngoái.
Còn tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 ước đạt 6,5%, thấp hơn mức 6,8% của năm ngoái nhưng vẫn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển.
Mặc dù vậy, nếu châu Á tiếp tục đà phát triển và vượt qua cả ba mối nguy, ít nhất 2 điều cần phải diễn ra, ngoài việc quản lý các rủi ro về địa chính trị, như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Những chính sách phức tạp
Đầu tiên, các quốc gia cần chuyển đổi động lực phát triển từ xuất khẩu sang đáp ứng nhu cầu nội địa.
Năm 2017, các nền kinh tế châu Á đã phục hồi nhanh chóng hoạt động xuất khẩu. Xuất khẩu máy móc thiết bị điện và linh kiện điện tử tăng lên đã đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt khi doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu tăng và chất bán dẫn trở thành thành phần của nhiều thiết bị hơn, trong bối cảnh mạng lưới thiết bị kết nối Internet phát triển. Tuy nhiên, theo cơ quan Thống kê Thương mại sản phẩm Bán dẫn Thế giới, thị trường chip toàn cầu sẽ tăng 7% trong năm nay lên 437 tỷ USD, vẫn thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 20,6% trong năm ngoái.
Một cách lý tưởng, tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng lương, đẩy mạnh tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ có một vài quốc gia, và Malaysia là một trong số đó, có thể tạo ra một chu kỳ như vậy. Ngay cả ở những quốc gia có dân số trẻ trung như Philippines, việc chi tiêu đã không còn mãnh liệt.
"Tạo việc làm sẽ là thách thức lớn nhất cho chính phủ Ấn Độ và rủi ro lớn nhất đối với sự phát triển chung của nền kinh tế Ấn Độ, vì việc làm cũng là một cách để tạo ra nhu cầu tiêu thụ", ông NR Bhanumurthy, giáo sư của Học viện Quốc gia Tài chính Công và Chính sách ở New Delhi nhận định.
Điều thứ 2 là các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất một cách hợp lý.
Nhiều người tham gia thị trường dự báo các nhà chức trách tiền tệ ở Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore sẽ xem xét việc tăng lãi suất và thắt chặt các chính sách của họ vào năm 2018 để ngăn chặn nền kinh tế bị quá nóng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 3 lần vào năm 2017, và dự kiến sẽ tăng thêm 3 lần nữa trong năm nay.
Khi việc thu hẹp khoảng cách lãi suất với phương Tây sẽ kéo nguồn vốn ra khỏi châu Á, các ngân hàng trung ương của khu vực sẽ cần phản ứng một cách thận trọng trước những động thái của Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, vấn đề là, các ngân hàng trung ương Châu Á phải đối mặt với tình huống độc nhất và không thể chỉ đơn giản hoạt động theo Fed.
Ví dụ, tại Philippines, việc tăng lãi suất sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư để mua đồng peso. Một đồng peso mạnh hơn sẽ làm giảm lợi ích của dòng tiền USD được người lao động Philippines gửi về từ nước ngoái.
Những khoản tiền này là một đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Philippine. Và nếu người di cư ở nước ngoài gửi ít tiền về nhà hơn vì tỷ giá hối đoái không thuận lợi, điều đó sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Ngân hàng trung ương Philippines có thể gây sức ép lên nền kinh tế, nếu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là một mối lo ngại, với giá dầu thô tăng nhờ sự phối hợp của OPEC và các nước xuất khẩu dầu trong việc giảm sản xuất và sự bất ổn tại Trung Đông.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ lo ngại rằng lạm phát, gồm cả giá lương thực và nhiên liệu, sẽ vượt mức mục tiêu trong trung hạn là 4% vào quý IV/2017 và quý I/2018. Tương tự tại Philippines, tăng lãi suất để bình ổn giá được cho là nói dễ hơn làm.
Giá dầu tăng làm gia tăng lạm phát tại Ấn Độ, khiến ngân hàng trung ương gặp nhiều khó khăn. |
“Kết quả khảo sát niềm kinh doanh của Liên hiệp các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho thấy, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với sự hạn chế từ mức lãi suất cao. Sự tập trung quá mức vào lạm phát của ngân hàng trung ương Ấn Độ đã dẫn đến một tình huống lãi suất thực cao hơn nhiều so với hiện tại, ảnh hưởng đến hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Pankaj Patel, chủ tịch Liên hiệp cho biết.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã yêu cầu ngân hàng trung ương Ấn Độ phải hạ thấp lãi suất.
Bẫy nợ
Giảm lãi suất có thể dẫn đến các biến chứng khác là bong bóng bất động sản và nợ tăng cao.
Ngược lại, nếu mức giá cao của các bất động sản tại những thành phố lớn của châu Á bắt đầu giảm thì nhiều cá nhân và công ty đầu tư vào bất động sản sẽ bị thua lỗ, khiến họ khó trả khoản nợ hiện tại.
Và như vậy, nợ liên quan đến tổng sản phẩm quốc nội đang trên một con đường đầy rắc rồi.
Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế, trong quý II/2017, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đạt 46,8% theo tỷ lệ phần trăm của GDP. Còn nợ hộ gia đình cộng với nợ khu vực phi tài chính của Trung Quốc đạt 210,2%.
Nợ ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007, trước khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, vượt quá mức nợ tại Nhật Bản, Mỹ và Đức.
Tại Hàn Quốc, con số kết hợp này đạt 193,9% trong quý II/2017.
Ông Francois Villeroy de Galhau, thống đốc ngân hàng Banque de France và thành viên Hội đồng quản trị của ECB, nhìn nhận nợ toàn cầu là một trong những rủi ro chính cần phải theo dõi.
"Các mức nợ không giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu bạn nhìn vào những nền kinh tế mới nổi, nợ đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là nợ doanh nghiệp", ông nói.