|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Habeco: Đặt mục tiêu lợi nhuận thấp vì lo ngại khó khăn kép

16:34 | 28/06/2023
Chia sẻ
Giá nguyên liệu tăng cao và việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn ngày càng chặt chẽ là những khó khăn mà Ban lãnh đạo Habeco đánh giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty năm 2023.

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) ngày 28/6, Tổng Giám đốc Habeco Ngô Quế Lâm cho biết, trong năm 2022, thu nhập của người tiêu dùng giảm sau dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến sức mua những sản phẩm không thiết yếu như bia, rượu, nước giải khát.

Vì vậy, mặc dù đã có những thuận lợi nhất định trong quá trình kinh doanh nhưng để đạt được mức sản lượng tiêu thụ như những năm trước dịch, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt, là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành bia rượu.

Trong năm 2022, doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính là 6.938 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 517,5 tỷ đồng, tăng 88,2% so với kế hoạch và tăng 37,3% so với cùng kỳ. Với kết quả kinh doanh khá khả quan, Habeco dự kiến chia cổ tức 15% bằng tiền mặt.

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu vị thế dẫn đầu tại thị trường miền Bắc, phát triển mở rộng thị trường miền Trung và miền Nam. Ban lãnh đạo Habeco lên kế hoạch doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng; giảm lần lượt gần 14% và 56% so với năm ngoái. Công ty dự kiến chia cổ tức 8% năm 2023.

Tổng Giám đốc Habeco báo cáo tại ĐHCĐ. (Ảnh: Hạ An).

Báo cáo về tình hình thực hiện thoái vốn tại CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico), HĐQT Habeco cho biết, trước kết quả kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính tiềm ẩn rủi ro cao, từ năm 2018, Habeco đã tiến hành các công việc cần thiết để thoái vốn tại Halico.

Habeco đã xây dựng các phương thức thoái vốn, tuy nhiên đều gặp khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh thua lỗ, Halico không đáp ứng được các điều kiện về chào bán theo phương thức đấu giá công khai. Phương án chuyển nhượng vốn thông qua giao dịch trên hệ thống của HNX cũng không khả thi do giá cổ phiếu của Halico theo kết quả định giá đang nằm ngoài biên độ giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường và thanh khoản ở mức rất thấp do không có giao dịch.

HĐQT Habeco cho biết, sẽ cùng đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn, cập nhật tiến độ cũng như các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo Bộ Công Thương. Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương xem xét báo cáo Chính phủ cho phép Habeco được áp dụng phương thức bán đấu giá cổ phiếu Halico tại HNX ngay cả khi công ty này không đáp ứng được các điều kiện về chào bán ra công chúng.

ĐHCĐ Habeco thường niên 2023. (Ảnh: Hạ An).

Về vấn đề nhân sự, ĐHĐCĐ Habeco đã bãi nhiệm HĐQT cũ và bầu 3 thành viên mới với một thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trong đó, HĐQT Habeco gồm các thành viên: Ông Trần Đình Thanh, Phụ trách Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Habeco; ông Ngô Quế Lâm, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Habeco và ông Bùi Hữu Quang, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông Carlsberg tại Habeco.

Thành viên độc lập HĐQT là ông Trần Danh Đáng, sinh năm 1954, từng giữ chức Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội và nghỉ hưu từ năm 2014 đến nay.

Giai đoạn khó khăn của ngành bia rượu

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của Habeco.

Mặc dù, đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 6,1% song mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Habeco lại sụt giảm 47,1% so với kết quả đạt được năm 2022. Nguyên nhân là doanh thu sụt giảm do chi phí đầu vào tăng và chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm nồng độ cồn.

Trong BCTC hợp nhất quý I, Habeco đạt 1.173 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 26% xuống 21%. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10% xuống 85 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 13% xuống 205 tỷ đồng, chủ yếu nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo và khuyến mãi.

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 3 năm, kể từ quý I/2020.

Habeco đánh giá, doanh thu bán hàng của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Thêm vào đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.