Ngành bia sụt giảm nhu cầu trong quý I, lợi nhuận Sabeco thấp nhất 6 quý, Habeco lại rơi vào cảnh lỗ
Ba tháng đầu năm là giai đoạn khó khăn với nhiều doanh nghiệp ngành bia khi phải chịu áp lực kép từ chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn (Nghị định 100) và sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh khi kinh tế khó khăn.
Trong một báo cáo phân tích hồi tháng 4, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã chỉ ra những khó khăn của khu vực tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới như áp lực lạm phát, môi trường lãi suất cao. Cùng với đó là thu nhập của người tiêu dùng bị tác động sau những sự kiện sa thải hay cắt giảm lao động, gây suy giảm tiêu dùng trong nước.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý I, phần lớn doanh thu các doanh nghiệp ngành bia đều sụt giảm như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) giảm 15%, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) giảm 13%. Tương tự, các đơn vị thành viên của hai tổng công ty trên cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm như CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (Mã: SMB) giảm 10%, CTCP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (Mã: THB) giảm 26%...
Trong đó, mức giảm doanh thu lớn nhất đến từ CTCP Habeco - Hải Phòng (Mã: HBH) khi giảm 59% so với cùng kỳ.
Mặc dù có doanh thu “đi xuống” nhưng Sabeco vẫn giữ vị trí “ông lớn” trong ngành bia Việt Nam với doanh thu đạt 6.214 tỷ đồng trong quý I. Con số này gấp đôi tổng doanh thu các doanh nghiệp trong ngành cộng lại. Đứng thứ hai là Habeco với ghi nhận 1.173 tỷ đồng doanh thu.
Xét về lợi nhuận, trong 13 doanh nghiệp trên sàn, có 2 đơn vị có lợi nhuận tăng (Habeco Trading, Bia Sài Gòn – Bạc Liêu), 6 công ty có lợi nhuận đi lùi và 5 doanh nghiệp báo lỗ.
Sabeco giảm tốc, Habeco “hụt hơi” trên đường đua lợi nhuận
Hai “ông lớn” của ngành bia Việt Nam là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) và Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) vừa trải qua một quý kinh doanh không như mong đợi. Khi Habeco lần đầu báo lỗ sau 3 năm theo quý, còn Sabeco ghi nhận mức lợi nhuận thấp trong 6 quý.
Ba tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận 6.214 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15%. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt 1.004 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong 6 quý.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu 40.272 tỷ đồng doanh thu, 5.775 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau ba tháng, Sabeco mới đạt 15% chỉ tiêu doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong báo cáo cập nhật hồi tháng 3, Chứng khoán BSC dự báo, lãi ròng Sabeco trong năm nay có thể đạt 5.598 tỷ đồng tăng 7% so với cùng kỳ.
Theo đơn vị phân tích, động lực tăng trưởng của Sabeco là sự chủ động chiếm thị phần nhờ độ phủ rộng của các dòng sản phẩm cả phân khúc phổ thông, cận cao cấp và chiến dịch marketing đa dạng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sabeco cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Mất thị phần do áp lực cạnh tranh; Biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng đến biên lợi nhuận; Thắt chặt các quy định quản lý đối với ngành bia như quy định chặt chẽ đối với hoạt quảng cáo, tiếp thị. Hay xử phạt nặng đối với các hành động uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông và các loại thuế.
Trước bối cảnh bia ngoại nhập ngày càng tăng và đối thủ ra mắt sản phẩm mới, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, CEO Sabeco - ông Neo Gim Siong Bennett, đã đưa giải pháp để ứng phó và duy trì thị phần trong 2 - 3 năm tới.
Vị CEO cho biết: “Sabeco không chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà trên tất cả trụ cột chiến lược, từ bán hàng đến tiếp thị, chuỗi cung ứng, sản xuất, con người và quản trị. Do đó, công ty xây dựng thương hiệu ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Song, để thực hiện được điều đó, công ty sẽ hợp tác với các thương hiệu khác.
Theo Sabeco, phân khúc cận cao cấp hiện chiếm hơn 20% tổng phân khúc thị trường bia, chủ yếu do một thương hiệu thống trị. Hiện công ty đang có hai sản phẩm thuộc danh mục này, gồm bia Saigon Chill và bia Saigon Special.
Cũng trong quý I, Habeco ghi nhận doanh thu 1.173 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Song, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 3 năm, kể từ quý I/2020.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu 7.367 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính tăng 6%, 222 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 56% so với năm 2022. Như vậy, Sabeco còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng, lý do công ty lên kế hoạch kinh doanh thận trọng do các rủi ro về kinh tế vẫn còn. Các yếu tố như lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biển động có thể khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, Habeco đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những hãng bia khác như Heineken, Sabeco. Lãnh đạo công ty cho rằng, các nhà sản xuất này đều là những tập đoàn đa quốc gia, nhận được hậu thuẫn to lớn về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính nhân sự, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động phát triển thương hiệu và thị trường. “Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị trường, Habeco hoàn toàn yếu thế hơn so với những tập đoàn đa quốc gia này”, lãnh đạo Habeco nhận định.
Triển vọng phục hồi
Trong báo cáo chiến lược hồi tháng 4, Chứng khoán Mirae Asset dự báo, sản lượng tiêu thụ bia có thể tăng chậm hơn vào năm 2023 trong bối cảnh tiêu dùng của Việt Nam đang chững lại. Song, về dài hạn, ngành bia Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cơ cấu nhân khẩu học và văn hóa uống bia của người Việt.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank cũng cho rằng, ngành bia sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kênh on-trade (kênh tiêu dùng tại chỗ) với hoạt động kinh tế tiếp tục và mở cửa cho du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, Nghị định 100 xử phạt đối với người uống rượu bia và áp lực kinh tế sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành bia, trích trong báo cáo cập nhật về Sabeco hồi tháng 2.
Còn trong báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống tháng 1, SSI Research đánh giá, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành bia sẽ quay về mức bình thường (tức là tăng trưởng một con số) trong năm 2023, ổn định sau mức cơ sở cao của năm 2022.
Không những thế, nhu cầu tiêu thụ bia có thể giảm do áp lực giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Vì tình trạng thiếu nguồn cung đang đẩy giá mạch nha lên cao do các nguyên liệu thô chính (chiếm 70% giá vốn hàng bán) tiếp tục ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất bia nếu không thể chuyển hoàn toàn phần chi phí tăng lên vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.
“Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi vẫn kỳ vọng du lịch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, điều này có thể bù đắp một phần sự sụt giảm trong tiêu dùng nội địa”, SSI Research viết trong báo cáo.