|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đề xuất không cắt margin cổ phiếu hàng không dù làm ăn thua lỗ

07:41 | 23/03/2021
Chia sẻ
Các doanh nghiệp trong ngành hàng không như Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, … đề nghị Nhà nước ban hành thêm hàng loạt biện pháp hỗ trợ, trong đó có việc không cắt margin cổ phiếu khi doanh nghiệp báo lỗ.
Đề xuất không cắt margin cổ phiếu hàng không dù làm ăn thua lỗ - Ảnh 1.

Tàu bay Vietjet Air và Vietnam Airlines tại Nội Bài. (Ảnh: Đức Quyền).

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) mới đây đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cắt margin với cổ phiếu các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không và du lịch, cho dù doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ. 

VABA cho rằng các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể tự đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp và rủi ro trong sử dụng margin khi quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Quyết định số 87/QĐ-UBCK năm 2017, những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế hợp nhất là số âm trên báo cáo tài chính năm cả năm kiểm toán hoặc báo cáo bán niên soát xét sẽ không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) sẽ ra thông báo về việc chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ và các công ty chứng khoán sẽ phải "cắt margin".

VABA cho rằng các doanh nghiệp hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên khó có thể duy trì điều kiện về giao dịch ký quỹ theo Quyết định 87 nói trên.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) lỗ sau thuế hợp nhất 6.678 tỷ đồng nên cổ phiếu HVN đã bị cắt margin. Hiện nay Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo kiểm toán cả năm, nhưng báo cáo quý IV đã cho thấy tổng công ty này lỗ tới trên 11.000 tỷ đồng nên HVN chắc chắn sẽ tiếp tục nằm trong danh sách không được cho vay ký quỹ.

Hai hãng bay Pacific Airlines và Vasco cũng do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam quản lý.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) báo lãi gần 47 tỷ đồng trong nửa đầu năm và 70 tỷ đồng trong cả năm 2020 nên thoát cảnh bị cắt margin. Tuy nhiên, lợi nhuận của Vietjet không đến từ kinh doanh vận chuyển hàng không mà là từ các hoạt động khác.

Bamboo Airways và tân binh Vietravel Airlines chưa lên sàn chứng khoán nên chưa phải lo nghĩ về vấn đề ký quỹ cổ phiếu. 

Bamboo Airways báo lãi trước thuế hơn 400 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng không nêu rõ lợi nhuận này đến từ hoạt động nào.

Tập đoàn FLC – công ty mẹ của Bamboo – từng bị cắt margin vì thua lỗ trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên đầu tháng 3 này, FLC công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy lợi nhuận cả năm đạt gần 308 tỷ đồng và do vậy cổ phiếu FLC đã được cấp margin trở lại.

Từ ngày 5/2/2021, Bamboo Airways tăng vốn lên 10.500 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC bị pha loãng còn 39,4%. Do vậy, FLC không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways. Hãng hàng không này có ý định niêm yết trong quý III năm nay với mục tiêu vốn hóa ban đầu 2,7 tỷ USD.

CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (Mã: VTR) là công ty mẹ của Vietravel Airlines. Nửa đầu năm 2020, Vietravel báo lỗ gần 74 tỷ đồng. Tính cả năm, số lỗ giảm xuống còn 16 tỷ đồng. 

Ngành hàng không còn nhiều doanh nghiệp khác không phải là các hãng bay. Chẳng hạn, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) từng báo lãi sau thuế 1,5 tỷ đồng trong nửa đầu 2020 nên cổ phiếu AST vẫn được giao dịch ký quỹ. 

Tuy nhiên theo báo cáo tài chính quý IV, công ty này lỗ cả năm 51,5 tỷ đồng nên nhiều khả năng AST sẽ chính thức bị cắt margin sau khi báo cáo kiểm toán 2020 được công bố.

Ước tính thua lỗ 15.000 tỷ đồng, cạn kiệt dòng tiền trong năm 2021

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cho biết trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không, … đều bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3/2020.

Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.

Trong năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tận dụng tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền.

Vì vậy, trong năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán.    

VABA ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.

Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa.

Đề xuất không cắt margin cổ phiếu hàng không dù làm ăn thua lỗ - Ảnh 3.

Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong hai tháng đầu năm 2021, vận chuyển hành khách quốc tế chỉ đạt khoảng 66.600 lượt khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019.

Thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng. Do dịch bệnh đợt 3 diễn ra đúng vào dịp cao điểm Tết âm lịch (27/1 - 26/2/2021) nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí tăng cao do phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng buộc phải giảm giá vé khá sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là các hãng hàng không Việt Nam bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp Tết của các hãng cũng giảm bình quân từ 70 đến 80% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Cục Hàng không, trong hai tháng đầu năm, các hãng bay Việt Nam khai thác tổng cộng 38.588 chuyến bay, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đề xuất không cắt margin cổ phiếu hàng không dù làm ăn thua lỗ - Ảnh 4.

Bamboo, Vietjet muốn được vay ưu đãi như Vietnam Airlines

VABA đánh giá nguồn vốn hoạt động là vấn đề cấp thiết nhất đối với các hãng hàng không hiện nay. Dịch bệnh bùng phát nhiều lần, mỗi lần lại làm lượng hành khách bay suy giảm mạnh, khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm theo và dẫn tới mất cân đối dòng tiền kéo dài.

Các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng bay, đã một số lần kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.

"Hiện Vietnam Airlines đã được hỗ trợ và khoản tín dụng này đã có tác động tốt tới hoạt động của Tổng Công ty", VABA cho hay. Hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không khác.

Cụ thể, Vietjet đề nghị được vay 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ. Lưu ý ở đây lãi suất tái cấp vốn mới bằng 0%, còn lãi suất vay đề xuất không phải 0%.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã được Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn chủ trương vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, cũng như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng.

Nhà nước hiện nay là cổ đông lớn nhất sở hữu trên 86% vốn của Vietnam Airlines nên số tiền mua cổ phần phát hành thêm cũng như cho vay sẽ chủ yếu đến từ phía Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn dự kiến là 0%.

Lãi suất cho Vietnam Airlines vay chưa được công bố chính thức nhưng ước tính khoảng 1 - 4%/năm. Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phiếu HVN theo giá phát hành 10.000 đồng/cp hoặc một phương án khác.

Loạt đề xuất gỡ khó khác

Các doanh nghiệp hàng không còn đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ thông qua các biện pháp khác. Cụ thể:

* Đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. 

Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các khoản nợ vay phát sinh trước ngày 23/1/2020. Do dịch bệnh nhiều lần tái bùng phát nên VABA cho rằng việc việc sửa đổi, bổ sung như nêu trên là cần thiết.

* Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 2.100 xuống còn 900 - 1.000 đồng/lít. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế này từ 3.000 xuống còn 2.100 đồng/lít từ 1/8 đến 31/12/2020, sau đó tiếp tục gia hạn từ 1/1 đến 31/12/2021. 

VABA cho biết với mức thuế 2.100 đồng/lít thì chi phí tiết giảm chỉ tương đương 2,5% so với tổng chi phí nhiên liệu đầu vào năm 2020. Nếu đề xuất giảm thuế còn 900 - 1.000 đồng/lít được chấp thuận, riêng Vietnam Airlines sẽ tiếp kiệm thêm được khoảng 430 tỷ đồng trong năm 2021 (nếu mức thuế được giảm từ 1/4/2021).

* Giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10/2020 cho đến hết tháng 12/2021, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, riêng Vietnam Airlines sẽ giảm được khoảng 334 tỷ đồng chi phí trong năm 2021, giúp cải thiện được một phần khả năng thanh toán của hãng.

Tuy nhiên một doanh nghiệp khác trong ngành hàng không lại phản đối đề xuất giảm giá dịch vụ điều hành bay là Tổng Công ty Quản lý bay (VATM). Năm 2020, doanh thu của VATM đã giảm tới 159 tỷ đồng vì chính sách hạ giá dịch vụ này. Tuy vậy, VATM vẫn ủng hộ giảm 50% mức phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay.

"Việc áp dụng chính sách giảm 50% giá cất hạ cánh và điều hành bay từ 1/3 đến 31/12/2020 khiến cho tổng doanh thu, lợi nhuận và số tiền nộp ngân sách của VATM đều giảm mạnh", ông Nguyễn Công Long - Phó Tổng Giám đốc VATM nói. 

"Nếu tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% giá điều hành bay với các đường bay nội địa trong năm 2021, VATM sẽ giảm 300 tỷ đồng doanh thu và mất cân đối thu chi", ông Long cho hay.

Đề xuất không cắt margin cổ phiếu hàng không dù làm ăn thua lỗ - Ảnh 7.

Trụ sở Skypec tại Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) đề nghị được gia hạn thời gian lưu giữ lượng xăng dầu đã tạm nhập năm 2020 (theo lô hàng Jet A1) cho tới hết năm 2021 do hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế chưa được khôi phục.

Theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014 và Nghị định số 69/2018, tạm nhập tái xuất là việc một thương nhân Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ một quốc gia, được làm đầy đủ thủ tục thông quan nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó thương nhân Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đã nhập khẩu này sang một quốc gia khác hoặc có thể là chính quốc gia đã xuất khẩu ban đầu.

Thời gian lưu lại tại Việt Nam là không quá 60 ngày. Skypec đề nghị cho phép kéo dài thời gian lưu giữ xăng dầu trước khi tái xuất vì COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu thụ nhiên liệu bay.

Đức Quyền - Song Ngọc