Nhiều biến động lớn trong ngành hàng không hai tháng đầu năm
Theo số liệu mới được Cục Hàng không công bố, trong hai tháng vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam khai thác tổng cộng 38.588 chuyến bay, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đi xuống ít nhất là Bamboo Airways với mức giảm 3,8%, các hãng khác gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines và Vasco sụt khoảng 40 – 50%. Tân binh Vietravel gia nhập ngành trong tháng 1 đã khai thác tổng cộng 340 chuyến.
Vietjet Air lấy lại ngôi đầu về số chuyến từ tay Vietnam Airlines.
Vào năm 2019 khi đại dịch chưa bùng phát, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bay hơn 139.000 chuyến trong khi Vietnam Airlines khai thác gần 120.000 chuyến (không kể Pacific Airlines và Vasco). Trong năm 2020, tình thế đảo ngược khi hãng hàng không quốc gia thực hiện xấp xỉ 87.000 chuyến, nhiều hơn Vietjet gần 10.000 chuyến.
Bước sang hai tháng đầu năm nay, Vietjet bay 13.720 chuyến, dẫn trước Vietnam Airlines với 12.945 chuyến. Nếu tính tổng cả Vietnam Airlines, Vasco và Pacific Airlines thì Tổng Công ty Hàng không Việt Nam vẫn giữ ngôi vô địch tần suất khai thác.
Tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) chung toàn ngành là 95,6%, cao hơn đáng kể so với mức 86,2% trong hai tháng đầu 2020. Tất cả 6 hãng đều ghi nhận OTP trên 90%. Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ 97,2%.
Trong hai năm 2019 và 2020, hãng bay của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đều có OTP cao nhất ngành hàng không.
Mới đây, Bamboo Airways cho biết hãng này hiện có mạng bay nội địa lớn nhất cả nước với 57 đường bay, bao gồm các thị trường ngách như Hải Phòng/Vinh/Thanh Hóa/Đà Nẵng – Côn Đảo, Đà Nẵng – Vinh, Đà Nẵng – Phú Quốc và Phú Quốc – Cần Thơ…
Năm 2021 còn nhiều gian nan
Vấn đề cấp bách nhất với các hãng hàng không trong nước hiện nay là nguồn vốn hoạt động. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã nhiều lần gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho các doanh nghiệp vay ưu đãi 25.000 - 27.000 tỷ đồng.
Vietjet Air mới đây đã công bố kế hoạch bán gần 18 triệu cổ phiếu quỹ, trị giá khoảng 2.400 tỷ đồng, để có thêm nguồn vốn lưu động. Bamboo Airways đã tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ lên 10.500 tỷ trong tháng 2 vừa qua.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VABA nhận định: "Năm 2020 một số hãng báo lãi là từ doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Thực chất các hãng đều lỗ nặng từ kinh doanh hàng không".
"Để giảm thiểu thiệt hại, các hãng đã năng động giảm chi phí, tăng tuyến bay, đẩy mạnh vận tải hàng hoá, kích cầu bay, du lịch nội địa, đa dạng hoá dịch vụ. Những nỗ lực đó cũng đã góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn", ông Nề nói thêm.
Mặt khác, các hãng đã chuyển nhượng tài chính, bán tài sản tích luỹ để bù đắp vào khoản thua lỗ vận tải hàng không. Thực tế năm 2020, Vietnam Airlines báo lỗ trên 11.000 tỷ đồng, công ty mẹ của Vietravel Airlines hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng lỗ 90 tỷ đồng.
Trái lại, Vietjet Air thông báo lãi sau thuế 70 tỷ đồng, Bamboo tuyên bố có lãi trước thuế trên 400 tỷ.
Tuy nhiên, dịch bùng phát lần 2 và lần 3 vào đúng cao điểm của ngành hàng không (nghỉ hè và Tết). "Doanh thu dịp Tết Tân Sửu của các hãng giảm tới 70 - 80% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Giá vé cũng thấp hơn hẳn, trong khi chi phí tăng cao do phải áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch", Tổng Thư ký VABA nói.
Hàng không trong nước đang bước vào giai đoạn thấp điểm, nhu cầu đi lại giảm. Các khoản nợ đến hạn tiếp tục tăng áp lực lên các hãng. Chi phí vận hành của hàng không ở mức cao. Thực tế đó khiến hãng nào khả dĩ nhất cũng thiếu hụt dòng tiền lên tới 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn lực bù đắp của các hãng đã bị suy giảm nhiều.
Vì vậy, nhu cầu được hỗ trợ của các hãng hàng không càng trở nên bức thiết. Trong đó đặc biệt cần thiết là gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi nhằm giúp các hãng thêm thanh khoản, có vốn chi hoạt động thường xuyên.
Vietnam Airlines đã được Chính phủ đồng ý cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng.
Hiệp hội Hàng không cho rằng các hãng khác cũng có nhu cầu được vay trên 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3-5 năm với lãi suất ưu đãi 4% tương tự như Vietnam Airlines.
Hỗ trợ hàng không cũng là biện pháp để kích thích phục hồi, phát triển nền kinh tế. Hiệp hội mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ hàng không, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/