|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines lỗ, Bamboo Airways lãi, cả hai đều muốn vay ưu đãi

11:50 | 19/03/2021
Chia sẻ
Năm 2020, Bamboo Airways thông báo lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng và tuyên bố là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới có lãi trong đại dịch. Tuy nhiên, Bamboo cũng mong muốn được hỗ trợ về thanh khoản tương tự như một hãng hàng không thua lỗ là Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines lỗ, Bamboo Airways lãi, cả hai đều muốn vay ưu đãi - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở chính của Bamboo Airways. (Ảnh: Song Ngọc).

Bamboo Airways và Vietnam Airlines: Hai hãng hai kết quả kinh doanh

Trong năm 2020 - hay còn gọi là năm COVID thứ nhất, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) ghi nhận lỗ sau thuế 11.100 tỷ đồng. Trái lại, Bamboo tuyên bố có lãi trước thuế trên 400 tỷ.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietnam Airlines cho thấy thua lỗ đến từ hoạt động kinh doanh chính là vận tải hàng không. Bamboo Airways chưa là công ty niêm yết, không công bố báo cáo tài chính nên không rõ lợi nhuận của hãng bay này đến từ nguồn nào. Năm 2019, Bamboo Airways cũng thông báo có lãi 303 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đã được Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn chủ trương vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, cũng như phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng.

Nhà nước hiện nay là cổ đông lớn nhất sở hữu trên 86% vốn của Vietnam Airlines nên số tiền mua cổ phần phát hành thêm cũng như cho vay sẽ chủ yếu đến từ phía Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn dự kiến là 0%. 

Lãi suất cho Vietnam Airlines vay chưa được công bố chính thức nhưng ước tính khoảng 1 - 4%/năm. Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phiếu HVN theo giá phát hành 10.000 đồng/cp hoặc một phương án khác.

Bamboo Airways cũng muốn được vay ưu đãi

Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mới đây đã có văn bản kiến nghị được vay dài hạn từ các ngân hàng thương mại với tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi tương tự như chính sách áp dụng với Vietnam Airlines, Báo Chính phủ đưa tin.

Bamboo Airways cũng đề xuất Chính phủ và Quốc hội tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm (thậm chí miễn hoàn toàn) đối với các chính sách hạ giá dịch vụ, giảm thuế đã được ban hành.

Với thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, Bamboo đề nghị nâng mức giảm từ 30% lên 50%. Đối với chính sách giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh, điều hành bay, Bamboo đề xuất tăng thêm thời gian hỗ trợ từ tháng 10/2020 đến hết tháng 12/2021. 

Hãng hàng không của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết còn đề nghị Nhà nước ban hành thêm các chính sách miễn giảm các loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Vietnam Airlines lỗ, Bamboo Airways lãi, cả hai đều muốn vay ưu đãi - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh:

Về hỗ trợ người lao động, Bamboo Airways kiến nghị tăng thêm thời gian áp dụng các chính sách hỗ trợ đã được ban hành tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, đồng thời cho phép người lao động và người sử dụng lao động được hưởng cùng lúc nhiều chính sách.

Đánh giá tác động và hiệu quả của các chính sách đã ban hành để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bamboo Airways cho rằng, các giải pháp này “chỉ hỗ trợ phần nào do phạm vi hỗ trợ và thời gian hỗ trợ còn hạn chế”.

Theo Báo Chính phủ, tổng chi phí mà Bamboo Airways ước tính được giảm nhờ các chính sách nêu trên chỉ khoảng 120 tỷ đồng. Trong đó, 70 tỷ đồng đến từ giảm thuế nhiên liệu bay, 27 tỷ đồng đến từ chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh và 23 tỷ đồng đến từ chính sách giảm giá điều hành bay.

“Mức giảm này chỉ chiếm 1,4% trong tổng chi phí hoạt động của Bamboo Airways”, văn bản của Bamboo Airways nêu.

Vietnam Airlines lỗ, Bamboo Airways lãi, cả hai đều muốn vay ưu đãi - Ảnh 3.

Tàu bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong hai năm 2019, 2020 cũng như hai tháng đầu năm 2021, Bamboo Airways liên tục là hãng bay có tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất toàn ngành hàng không. 

Trong thông cáo báo chí mà Bamboo Airways gửi ra hồi đầu tháng 3, hãng này cho biết đang đang nắm 20% thị phần bay nội địa và tuyên bố mục tiêu chiếm 30% thị phần trong năm 2021. 

Trả lời phỏng vấn Bloomberg mới đây, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airways có kế hoạch nâng quy mô đội bay từ 22 chiếc hiện nay lên thành 40 chiếc thông qua việc thuê tàu đã qua sử dụng cũng như nhận bàn giao mới 4 tàu, bao gồm một chiếc thân rộng Boeing 787-9.

Ông Quyết cũng thông báo kế hoạch đưa 1,05 tỷ cổ phần Bamboo Airways (Mã: BAV) lên niêm yết tại Sàn Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) hoặc Hà Nội (HNX). Giá chào sàn dự kiến là 60.000 đồng/cp.

Cuối năm 2019, Bamboo Airways từng có kế hoạch lên sàn chứng khoán cũng với mức giá 60.000 đồng/cp nhưng số lượng cổ phần khi đó là 405 triệu đơn vị (tương đương vốn điều lệ 4.050 tỷ đồng).

Có thể thấy, mục tiêu vốn hóa của Bamboo Airways đã cao gấp 2,5 lần mức hơn một năm trước đây.

Đức Quyền - Song Ngọc