Ước tính Vietnam Airlines lỗ nặng hơn trước trong quý I/2021
Mắc dịch đúng cao điểm Tết
Việt Nam là một trong những nước kiểm soát khá tốt dịch COVID-19 khi các ổ dịch đều được phát hiện và dập tắt nhanh chóng, không để bùng phát mạnh.
Mặc dù vậy, việc làn sóng thứ dịch thứ 3 xuất hiện ngay trước Tết Âm lịch - mùa "kiếm ăn" cao điểm của ngành hàng không - đã khiến lưu lượng khách giảm mạnh.
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết số khách hàng không bỏ chỗ trong giai đoạn Tết Tân Sửu là rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay cũng giảm theo nhưng chi phí của các hãng lại tăng cao do phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch.
Để kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng buộc phải giảm sâu giá vé, dẫn tới hậu quả chưa từng thấy xưa nay là các hãng hàng không Việt Nam bị lỗ trong mùa Tết. Doanh thu dịp Tết của các hãng giảm bình quân 70-80% so với cùng kỳ năm trước, VABA cho hay.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng bay nước ta khai thác tổng cộng 38.588 chuyến trong hai tháng đầu 2021, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Vietnam Airlines giảm tới gần 41%, còn 12.945 chuyến.
Chứng khoán HSC cho biết vào tháng 3 vừa qua, tần suất chuyến bay đã cải thiện nhờ việc Việt Nam ngăn chặn đại dịch hiệu quả nhưng lượng hành khách của Vietnam Airlines trong quý I/2021 vẫn bị giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, trong năm 2020, Vietnam Airlines đã hạch toán chi phí khấu hao dựa trên số giờ hoạt động thực tế của máy bay thay vì phương pháp đường thẳng như các năm trước đây, nhờ vậy mà tiết kiệm được 2.181 tỷ đồng chi phí khấu hao so với năm 2019 và giảm lỗ 2.800 tỷ đồng so với ước tính ban đầu.
HSC cho biết toàn bộ khoản điều chỉnh giảm này được trừ vào chi phí của quý IV/2020. Vì thế nên khoản lỗ ròng (lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ) của Vietnam Airlines trong quý IV chỉ còn 372 tỷ đồng, bằng chưa đầy 1/10 so với khoản lỗ 3.912 tỷ đồng trong quý quý III liền trước.
Vietnam Airlines vẫn sẽ áp dụng phương pháp khấu hao mới trong năm 2021 nhưng chi phí khấu hao trong 9 tháng đầu năm 2021 sẽ được hạch toán theo phương pháp đường thẳng và khoản giảm trừ sẽ chỉ được ghi nhận vào quý IV/2021.
Do vậy, HSC ước tính Vietnam Airlines sẽ lỗ ròng 4.250 tỷ đồng trong quý I/2021, cao hơn đáng kể so với số lỗ 2.589 tỷ đồng trong quý I/2020 (khi mùa cao điểm Tết không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh) và gấp 11,4 lần quý IV/2020 (khi áp dụng phương pháp khấu hao khác).
Việc doanh nghiệp công bố lỗ khủng sau số liệu quý IV/2020 có vẻ khả quan có thể tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư, HSC nhận định.
Ích lợi nhỏ nhoi của các chuyến bay quốc tế
Vietnam Airlines đã thông báo kế hoạch nối lại 4 đường bay thương mại quốc tế từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6 gồm Hà Nội – Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội – Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội – Sydney (Australia) và TP HCM – Sydney. Trước mắt, hành khách vẫn phải cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Khai thác các chuyến bay quốc tế đường dài này sẽ giúp Vietnam Airlines có cơ hội tận dụng các dòng tàu bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus A350 - những loại ít phù hợp cho các tuyến nhỏ, ngắn trong nội địa.
HSC ước tính trong quý II/2021, Vietnam Airlines sẽ có 174 chuyến theo cả hai chiều trên các tuyến quốc tế này.
Giả sử Vietnam Airlines sử dụng máy bay lớn nhất là Airbus A350 với 305 chỗ ngồi, tổng lượng hành khách tối đa trên các chuyến bay quốc tế sẽ chỉ đạt 53.896 khách, vẫn rất thấp so với số lượng hành khách quốc tế bình quân là 2,27 triệu khách/quý trong năm 2019.
Do đó, lợi nhuận của HVN sẽ được cải thiện nhờ các tuyến mới nhưng không đáng kể.
Vietnam Airlines đấu thầu chọn ngân hàng cho vay ưu đãi
Ngày 26/3/2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 450 về việc tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cho Vietnam Airlines vay ưu đãi.
Khoản vay mà TCTD cấp cho Vietnam Airlines sẽ phải có tài sản bảo đảm và lãi suất >0%. Ngược lại, khoản vay tái cấp vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các TCTD sẽ không cần tài sản bảo đảm và có lãi suất tái cấp vốn 0%.
Theo HSC, Vietnam Airlines sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn tổ chức tín dụng có khả năng đưa ra mức lãi suất thấp nhất cho khoản vay này. Phiên đấu thầu lãi suất có thể được tổ chức vào tháng 4/2021 và Vietnam Airlines có thể bắt đầu nhận được hỗ trợ tài chính vào cuối tháng này. Khoản vay ưu đãi sẽ giúp Vietnam Airlines giảm bớt rủi ro thanh khoản do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Phần chênh lệch giữa lãi vay thực tế và lãi suất thị trường sẽ được quy đổi thành cổ phần Vietnam Airlines theo giá phát hành 10.000 đồng/cp hoặc một phương án khác.
Cả Vietjet Air và Bamboo Airways đều hy vọng được Nhà nước tạo điều kiện cho vay ưu đãi như Vietnam Airlines nhưng đến nay mong ước chưa thành hiện thực.
Cụ thể, Vietjet đề nghị được vay 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4%/năm.
Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0%; và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ. Lưu ý, đề xuất ở đây là lãi suất tái cấp vốn bằng 0%, còn lãi suất vay đề xuất không phải 0%.