|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Để tối đa hoá lợi nhuận, các hãng giao đồ ăn chuyển qua giao tất cả những gì có thể giao, từ thực phẩm tươi sống tới hàng hoá bưu phẩm

07:18 | 20/08/2021
Chia sẻ
Trong vài năm trở lại đây, các công ty trong mảng giao đồ ăn đã mở rộng dần hoạt động sang các mảng khác.

Grab cho phép người dùng đặt các món đồ từ tươi sống đến văn phòng phẩm hay sách vở qua ứng dụng của mình, trong khi đó các công ty giao đồ ăn như Foodpanda hay Deliveroo cũng mở rộng sang ngành hàng đồ tươi sống.

Đằng sau cuộc chuyển đổi này là một khái niệm thương mại mới là "quick commerce" (tạm dịch: thương mại nhanh, hay còn gọi là "q-commerce").

Cuộc chạy đua mới của các công ty giao đồ ăn: 'Thương mại nhanh' hay là chết? - Ảnh 1.

Foodpanda, một dịch vụ giao đồ ăn cũng đang dần "nhóm ngó" sang các hình thức thương mại khác. (Ảnh: Foodpanda).

Về cơ bản, xu hướng tiêu dùng của người dùng chia thành hai loại: nhóm người dùng đặt các món hàng trước và nhóm người tiêu dùng cần giao hàng ngay. Hãy nghĩ đến sự khác biệt giữa một người đặt lượng đồ tươi sống đủ dùng trong một tuần để được giao vào ngày mai và những người thích ăn kem vào nửa đêm. Trường hợp sau là một điển hình cho q-commerce mà Foodpanda mô tả là "dịch vụ giao bất kỳ thứ gì siêu địa phương và siêu nhanh đến cửa nhà bạn".

Có nhiều lý do vì sao các công ty giao đồ ăn đang lấn dần sang mảng q-commerce: các đơn hàng xuất hiện trong cả ngày. Trái lại, các đơn hàng đồ ăn thường tăng mạnh vào thời gian ăn trưa hoặc ăn tối. Với một nền tảng cung cấp hạng hoá đa dạng hơn, các nền tảng có thể mang đến cho tài xế nguồn doanh thu ổn định hơn.

Mô hình q-commerce phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng địa phương

Trong nỗ lực mở rộng sang mảng giao đồ tươi sống, Grab đã tỏ ra khá sáng tạo vì sự khác biệt lớn giữa các thị trường như Singapore hay Indonesia.

Ở Singapore, các siêu thị mang đến cho người dùng một lựa chọn cực kỳ đa dạng các sản phẩm trong khi đó mật độ siêu thị cũng được phân bổ dày đặc. Vì thế, việc Grab hợp tác với các công ty hiện hữu là một nước đi đúng đắn. Hợp tác của Grab với một chuỗi siêu thị địa phương có tên Hao (hiện đang có 49 siêu thị tại quốc đảo này) là một ví dụ điển hình,

Trong khi đó, mảng đồ tươi sống của Indonesia lại nghiêng về phía các cửa hàng tạp hoá. Bán lẻ truyền thống chiếm tỷ trọng tới 83% doanh số bán hàng của mảng hàng tươi sống. Con số này chỉ là 28% ở Singapore. Cửa hàng tiện lợi, vốn có số lượng hàng hoá ít hơn siêu thị, cũng là lựa chọn được yêu thích ở quốc gia này.

Để giải quyết vấn đề này, Grab xây dựng các nhà kho trung tâm, quy mô nhỏ ở Indonesia tại các khu vực có ít siêu thị. Bằng cách này, Grab có thể giao hàng nhanh hơn tại các khu vực chưa được phục vụ đầy đủ.

Nhưng tương tự như mảng giao đồ ăn, mảng giao đồ tươi sống của Grab cũng gặp cạnh tranh khốc liệt.

Các đối thủ truyền thống như NTUC Fairprice (Singapore) không ngồi yên. Chuỗi siêu thị này cho biết đã có 25% thị phần ngành hàng tươi sống trực tuyến ở Singapore trong năm 2020, tăng lên từ 18% của năm 2018.

Đừng quên mảng giao bưu phẩm

Ngoài giờ ăn trưa hoặc ăn tối, giao bưu phẩm cũng là một cách khác để các tài xế kiếm thêm thu nhập.

GrabExpress, dịch vụ giao đồ trong ngày hoặc theo yêu cầu, được Grab ra mắt vào năm 2015. Khách hàng của GrabExpress bao gồm các công ty thương mại điện tử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả người dùng cá nhân. Dĩ nhiên, logistics là một mảng có cường độ cạnh tranh rất cao.

Với số lượng đối tác tài xế lớn, Grab có thể mạnh ở giao hàng chặng cuối, bước cuối cùng trước khi hàng tới tay người mua.

Năm 2019, Grab công bố hợp tác chiến lược với công ty logistics Ninja Van. Thoả thuận này tích hợp dịch vụ logistics của Ninja Van vào Grab thông qua GrabExpress. Khi cả hai cùng cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba ứng dụng công nghệ, hợp tác giữa GrabExpress và Ninja Van có vẻ là một động thái kỳ quặc.

Dù vậy, mô hình kinh doanh của cả hai có nhiều điểm khác biệt. Ninja Van đầu tư mạnh và hệ thống nhà kho, đội xe tải và công nghệ giúp phân loại hàng hoá. Trong khi đó, mô hình của Grab không đòi hỏi nhiều đầu tư. Grab tận dụng các đối tác lái xe để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh hơn với các món đồ nhỏ hơn và quãng đường giao hàng ngắn hơn.

Qua hợp tác với Ninja Van, Grab có thể giao hàng trên toàn quốc, ví dụ từ Hà Nội tới TP.HCM. Nếu không có Ninja Van, Grab khó làm được điều này do không có mạng giao hàng liên thành phố.

Những thách thức không nhỏ

Khi tham gia vào mảng q-commerce, để tăng trưởng được lợi nhuận, một trong những vấn đề cốt lõi mà các nền tảng cần phải giải quyết là chi phí tài xế. Một trong những cách để cắt giảm chi phí này là tạo ra khối lượng công việc giao hàng đều đặn cho tài xế trong cả ngày.

Theo Tech in Asia, Grab hiện tại không cho phép các tài xế giao chéo các dịch vụ với nhau. Điều này có nghĩa là một tài xế đang giao đồ ăn không thể giao đồ tươi sống cùng lúc. Bằng cách này, khách hàng sẽ không cần phải đợi hơn 30 phút để nhận được đơn hàng đồ ăn của mình.

Bất kỳ công ty nào có thể cho phép các tài xế giao hàng chéo các dịch vụ với nhau trong khi không phải "hy sinh" chất lượng dịch vụ cũng có thể giảm được chi phí cho mỗi lần giao hàng và đạt được lợi thế trước các đối thủ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Khánh