ĐBQH: Thiếu hụt xăng dầu cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý
Thời gian vừa qua, hàng trăm cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh vì khó khăn tài chính, doanh nghiệp đầu mối cung cấp nhỏ giọt. Đây là vấn đề được các đại biểu quốc hội quan tâm và đề cập đến trong phiên họp sáng 27/10, kỳ họp Quốc hội thứ 4.
Tại nghị trường, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho biết: “Vừa rồi thiếu hụt xăng dầu xảy ra, nhất là ở phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong xử lý tình huống của các cơ quan trong quản lý Nhà nước, từ việc quy định tính đúng tính đủ giá xăng dầu đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý sự thiếu hụt như thời gian...
Việc này khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc. Hiện tượng này chưa được giải quyết dứt điểm, vẫn còn xuất hiện cục bộ ở một số địa phương”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng năm 2023 nước ta có thể tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhiều áp lực đặt nặng lên nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp xử lý vấn đề nêu trên, trong tập trung phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp bình ổn giá cả thị trường, khắc phục hạn chế trong điều hành giá xăng để ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.
Cũng bàn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đưa ra 2/7 giải pháp liên quan đến thị trường xăng dầu.
Cụ thể, đại biểu cho biết thị trường xăng dầu đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số địa phương. Bộ Công Thương đã vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, không để xảy ra tình trạng tương tự. Cơ quan quản lý có thể xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
“Giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo ghi nhận của cổng thông tin điện tử Quốc hội, một số cử tri đang khá lo ngại trước tình trạng giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Cử tri Nguyễn Xuân Diệu (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu có nhiều bất cập, xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu, giá xăng dầu lên xuống thất thường, người dân phải xếp hàng vào đổ xăng dầu.
Bên cạnh đó, việc chiết khấu cho cửa hàng xăng dầu thấp khiến người kinh doanh không có lãi, phải tạm dừng hoạt động, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất ở một số địa phương.
Do đó, cử tri Nguyễn Xuân Diệu kiến nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp xăng dầu ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần phải bảo đảm ổn định thị trường, giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng như hiện nay.
Tương tự, cử tri Dương Thị Mến (Quận Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết: “Kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng”.
Trước thực trạng này, cử tri Dương Thị Mến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp trong việc ổn định thị trường xăng dầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm… tránh làm gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung.