|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Thủ tướng yêu cầu Liên Bộ Công Thương - Tài chính đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho cuối năm

07:30 | 26/10/2022
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Liên Bộ Công Thương - Tài chính đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 333 về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm và định hướng các tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.

Riêng với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng giao bám sát tình hình thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế để quản lý, điều hành hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Liên Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Đồng thời giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Liên Bộ Công Thương - Tài chính đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho cuối năm (Ảnh: Hoàng Anh)

Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện), Phó Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương… tính toán và chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Các bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Trong đó ưu tiên đảm bảo nguồn cung, cân đối cung - cầu thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt heo, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.

Hoàng Anh