|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng thực hiện chiến dịch 'Danang miss you', làm mới mình để kéo khách du lịch trở lại

21:00 | 28/09/2020
Chia sẻ
Để kéo khách du lịch trở lại, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã công bố kế hoạch truyền thông về điểm đến Đà Nẵng trong thời gian 4 tháng cuối năm 2020. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh lại cơ cấu du lịch thành phố.

Du lịch Đà Nẵng thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt gần 8,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt gần 3,6 triệu lượt, khách nội địa gần 5,2 triệu lượt, tăng so với năm 2015 tương ứng là 85,6%, 178,2%, 51,3%.

Tổng thu du lịch TP Đà Nẵng đạt gần 31 ngàn tỉ đồng, tăng 141,7% so với năm 2015, chiếm khoảng 4,3% tổng thu từ du lịch của cả nước. Năm 2019, tỉ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của thành phố đã đạt tới 31,4% - đây được xem là tỉ lệ đóng góp vào loại lớn nhất so với các địa phương có ngành du lịch phát triển trong cả nước.

Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng vào tháng 3-4/2020 và cú "đấm bồi" vào cuối tháng 7 đã khiến du lịch thiệt hại nặng nề.

Đà Nẵng thực hiện chiến dịch 'Danang miss you', làm mới mình để kéo khách du lịch trở lại - Ảnh 1.

Hàng quán kinh doanh ven biển Đà Nẵng không hoạt động khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. (Ảnh: Văn Luận).

Theo báo cáo của Phòng qui hoạch tổng hợp, Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, đợt bùng phát thứ hai cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Đà Nẵng. 

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kì năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế ước đạt 644 nghìn lượt, giảm 60,3% so với cùng kì 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kì 2019. 

Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỉ đồng, giảm 47,8% so với cùng kì năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 8 tháng ước đạt 35.713 tỉ đồng, giảm 4,9% so với cùng kì 2019.

Trước đó, vào thời điểm tháng 5/2020, qua thống kê sơ bộ, trong quí I/2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch Đà Nẵng khoảng hơn 1.859 tỉ đồng. Lũy kế quí II/2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỉ đồng.

Trong đó ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỉ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỉ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỉ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỉ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 685-690 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch ước khoảng 6.806 tỉ đồng.

Theo quan sát của chúng tôi, từ ngày 5/9, TP Đà Nẵng cho phép hoạt động lưu trú được đón khách du lịch trở lại. Tuy nhiên tại "phố khách sạn" ven biển Đà Nẵng vẫn đóng cửa không hoạt động. Nhiều khách sạn rao bán, có cả khách sạn 4 sao.

Nguyên nhân nhiều khách sạn chưa mở cửa đón khách trở lại vì sợ không gồng nổi chi phí khi tình hình du lịch còn ảm đạm. Nhiều khách sạn vay ngân hàng để hoạt động nên buộc phải bán trước khi ngân hàng phát mại.

Để kéo khách du lịch trở lại thời gian từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã công bố kế hoạch truyền thông về điểm đến Đà Nẵng trong thời gian 4 tháng cuối năm 2020.

Theo đó, thực hiện chiến dịch "Danang miss you - Đà Nẵng nhớ bạn (du khách)" để thể hiện Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, thời gian từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 với một số nội dung: Thực hiện movie du lịch Danang miss you, thực hiện postcard Cùng Danang Fantasticity nhắn gửi yêu thương,...

Đi tiên phong trong việc kéo khách du lịch trở lại, từ ngày 20/9, Sun World Bà Nà Hills đã mở cửa, chính thức đón khách sau gần hai tháng cùng Đà Nẵng chống dịch.

Chia sẻ về việc mở cửa trở lại, ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc khu du lịch Sun World Ba Na Hills nói: "Chúng tôi hiểu sẽ có những e ngại ban đầu bởi Đà Nẵng chỉ mới bước qua những tháng ngày bão táp khi là tâm dịch, song với những chiến thắng trước đợt dịch thứ hai của thành phố. 

Với những biện pháp phòng chống dịch tích cực được triển khai để đảm bảo an toàn cho du khách từ khi đặt chân tới khu du lịch cho tới suốt quá trình tham quan vui chơi tại đây, chúng tôi tin rằng, du khách sẽ có một hành trình an tâm và thoải mái tại Bà Nà".

Đà Nẵng cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 50% - 50%

TP Đà Nẵng đang tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng 2030.

Theo đó, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, điều chỉnh lại cơ cấu du lịch TP Đà Nẵng theo 4 lĩnh vực cơ bản, gồm: cơ cấu lại thị trường; cơ cấu lại sản phẩm du lịch; cơ cấu lại hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch (hệ thống cơ sở lưu trú); cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về lượng khách phù hợp cơ cấu lại thị trường, để đảm bảo không ảnh hưởng đến mục tiêu về thu nhập du lịch, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của thành phố.

Đà Nẵng phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 50% - 50%; cơ cấu thị trường quốc tế Châu Âu - Bắc Mỹ là 20%, Đông Bắc Á là 57%,  Đông Nam Á (gồm ASEAN và Úc, New Zealand) là 20% và thị trường khác (Trung Đông, Nga…) là 3%.

Điều chỉnh lại khoảng 60% tổ chức lãnh thổ du lịch thành phố trên quan điểm và nội dung cơ cấu lại theo lãnh thổ.

Đà Nẵng thực hiện chiến dịch 'Danang miss you', làm mới mình để kéo khách du lịch trở lại - Ảnh 3.

Người dân Đà Nẵng tắm biển, vui chơi trở lại sau khi dịch được kiểm soát, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. (Ảnh: Văn Luận).

Đến năm 2030 hoàn thành việc cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng, đạt tỉ lệ giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú) là 45% - 55%; cơ cấu thị trường quốc tế Châu Âu - Bắc Mỹ là 30%, Đông Bắc Á là 40%, Đông Nam Á là 25% và thị trường khác là 5%. Đạt tỉ lệ cơ cấu lại 100% lãnh thổ du lịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, thành phố luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc cơ cấu lại ngành du lịch với những điều chỉnh phù hợp bối cảnh kinh tế nhằm khẳng định vị trí trung tâm và vai trò đi đầu của du lịch Đà Nẵng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương và Chiến lược phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ông Chinh giao Sở Du lịch hoàn chỉnh đề án, sớm trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Văn Luận

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.