|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đà Nẵng cần làm gì để kinh tế tăng trưởng từ âm lên hơn 6% năm 2021?

16:32 | 25/12/2020
Chia sẻ
Năm 2021, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP dự kiến tăng 6% so với năm 2020. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 5-6%, công nghiệp - xây dựng tăng 6-7%, nông nghiệp tăng 3-4%.

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Thông tin nêu ra tại hội nghị, năm 2021, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP (giá so sánh 2010) dự kiến tăng 6% so với năm 2020. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 5-6%, công nghiệp - xây dựng tăng 6-7%, nông nghiệp tăng 3-4%.

Cổng thông tin điện tử TP Đà Nẵng tường thuật, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố nhận định, để đạt được kịch bản tăng trưởng trên, thành phố phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, cần khôi phục, phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn chủ lực của thành phố.

Cụ thể, về du lịch, thành phố cần tập trung khôi phục mạnh thị trường khách du lịch trong nước, từng bước khôi phục các đường bay quốc tế; đa dạng các hình thức tuyên truyền về điểm đến Đà Nẵng an toàn, xóa bỏ tâm lý e dè của du khách. 

Thành phố xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021; liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt là liên kết giữa Đà Nẵng với các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh và Hải Phòng. Đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa;...

Đà Nẵng cần làm gì để kinh tế năm 2021 tăng trưởng trên 6%? - Ảnh 1.

Chợ Cồn Đà Nẵng hiện nay sẽ được xây dựng đầu tư trung tâm thương mại. (Ảnh: Chu Lai).

Về thương mại, Đà Nẵng tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng chợ Đầu mối Hòa Phước; xây dựng phương án đầu tư trung tâm thương mại chợ Cồn trên cơ sở chợ truyền thống văn minh, hiện đại. Phối hợp đẩy nhanh phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố chợ đêm tại các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu.

Ngoài ra, cần triển khai có hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, tổ chức các phiên chợ hàng Việt. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu, giúp các doanh nghiệp cập nhật, nắm vững các thông tin, nội dung cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là EVFTA, CPTPP, RCEP...

Đối với công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hình thành 4 cụm công nghiệp mới (Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc); tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và triển khai mở rộng Khu công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu công nghiệp phụ trợ phục vụ Khu công nghệ cao và đầu tư các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với Khu Công nghệ cao.

Kinh tế Đà Nẵng lần đầu tiên tăng trưởng âm sau 20 năm

Trước đó, sáng 7/12, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 16. Thông tin tại kỳ họp, lãnh đạo thành phố, cho biết lần đầu tiên sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm, kéo giảm tăng trưởng của cả nhiệm kì 2020 - 2025, GRDP năm 2020 dự báo - 9,6%.

Ngoài chỉ tiêu GRDP, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước giảm 8%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước giảm 10,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước giảm 13,1%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 21.742 tỷ đồng, giảm 29,7% so với dự toán được giao.

Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, đạt 34,3% kế hoạch, giảm 62,6% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 69,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, đạt 52,6% kế hoạch, giảm 40,7%.

Chu Lai

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.