|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc suy thoái sắp tới sẽ được ‘Sản xuất tại Trung Quốc’?

19:55 | 19/08/2019
Chia sẻ
Sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của thế giới trong 30 năm qua. Tuy nhiên hiện nay đang có nhiều nguy cơ đe dọa đẩy đất nước tỉ dân rơi vào suy thoái, kéo theo cả nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều đoạn trên đường cong lợi suất của Mỹ đã đảo ngược từ vài tháng nay, tức là một số lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn ngắn lớn hơn một số lợi suất kì hạn dài. Tuy nhiên giữa tuần qua, đoạn đường cong giữa kì hạn 2 năm và 10 năm cũng đảo ngược.

Việc lợi suất kì hạn 2 năm cao hơn kì hạn 10 năm được coi là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong vòng 1,5-2 năm nữa. Trước mỗi cuộc suy thoái trong hơn 60 năm qua đều xảy ra hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược.

yield spread

Đoạn đường cong lợi suất 2 năm đến 10 năm gần đây mới đảo ngược, nhưng đoạn 3 tháng - 10 năm và 3 tháng - 5 năm thì đã đảo ngược từ vài tháng trước. Nguồn: Bloomberg.

Tuy nhiên không phải lần nào đường cong lợi suất đảo ngược cũng dẫn tới suy thoái nên đây có thể là báo động giả.

Như vậy, mặc dù tín hiệu từ thị trường trái phiếu này không phải là tin tốt nhưng cũng không cần phải quá hoảng loạn. Hiện nay, các số liệu về nền kinh tế Mỹ như doanh số bán lẻ và tỉ lệ thất nghiệp vẫn đang vẽ lên một bức tranh khá tươi tắn.

Nhìn chung đường cong lợi suất chỉ gửi đi tín hiệu chứ không phải nhân tố gây ra suy thoái; giống như tiếng gáy của con gà trống chỉ báo hiệu buổi sáng chứ không làm cho mặt trời xuất hiện.

Một số nhà kinh tế học cho rằng sự đảo ngược của đường cong lợi suất là một lời tiên tri tự thành (self-fulfilling prophecy) nghĩa là khi nhìn thấy tín hiệu này, các doanh nghiệp trở nên lo lắng và quay ra cắt giảm đầu tư, khiến cho suy thoái diễn r thật.

Tuy nhiên khi đường cong lợi suất đảo ngược lần đầu mấy tháng trước nhiều người cũng tỏ ra bi quan nhưng lại không làm trật đường ray đoàn tàu kinh tế Mỹ, vì vậy lần này nhiều khả năng cũng không khác biệt.

Nếu suy thoái kinh tế xảy ra, đó là vì hệ quả của một cú sốc nào đó. Nhưng cụ thể là cú sốc nào?

Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng nguyên nhân có thể là sự tổng hợp của nhiều nhân tố nhỏ như cuộc chiến thương mại, sự suy yếu của thị trường nhà ở, chính sách hỗ trợ thông qua cắt giảm thuế hết tác dụng, … Đây đều là những suy luận có lí.

Tuy vậy các nhân tố kể trên mang đặc trưng của nước Mỹ. Mối lo ngại lớn hơn hiện nay là nền kinh tế toàn cầu hiện đang suy yếu hơn cả Mỹ. Hai nhà xuất khẩu lớn và đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ là Trung Quốc và Đức đều đang giảm tốc.

one direction

Số liệu kinh tế của Trung Quốc và châu Âu - đặc biệt là Đức cho thấy sự suy thoái rõ rệt. Nguồn: Bloomberg, Cục Thống kê Trung Quốc, Eurostat, Cục Thống kê Đức

Điều này cho thấy nếu nước Mỹ bị suy thoái, đó sẽ là một phần của một đợt suy thoái mang qui mô toàn cầu. Người Mỹ thường cho rằng các thị trường và hoạt động tiêu dùng của mình là động lực tạo ra tăng trưởng cũng như suy thoái, nhưng lần này có thể họ sẽ sai lầm.

Thay vào đó, một cuộc suy thoái có thể sẽ được tạo ra ở Trung Quốc (Made in China). Trong những năm gần đây, Trung Quốc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều hơn bất kì nước nào khác và quốc gia tỉ dân được kì vọng sẽ tiếp tục mức đóng góp này trong những năm tới.

growth contribution

Trung Quốc được dự báo sẽ có tăng trưởng lớn nhất vào nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: Bloomberg, IMF.

Vì thế nên khi Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới có thể sẽ xổ mũi. Từ 2010 đến 2017, Trung Quốc đóng góp 31% tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đã đánh cược tương lai của mình vào kì vọng một tỉ người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua hàng hóa của họ.

Sự đi xuống trong nhu cầu ở Trung Quốc sẽ không chỉ làm giảm doanh số của các công ty Mỹ hay các quốc gia giàu có khác mà còn làm cho nhiều tập đoàn đa quốc gia cắt bớt kế hoạch đầu tư.

Hiện có nhiều nguy cơ đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc. Nhân tố hiển nhiên nhất là cuộc chiến thương mại. Việc Mỹ liên tiếp ra đòn thuế quan rồi hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cho công ty Trung Quốc dường như đã khiến cho các nhà sản xuất của đất nước tỉ dân phải đắn đo hơn khi quyết định đầu tư cho tương lai.

fixed asset

Tốc độ tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định khu vực sản xuất của Trung Quốc sụt giảm mạnh, từ 9,5% vào tháng 12/2018 xuống còn 3% vào tháng 6/2019. Nguồn: Bloomberg, Cục Thống kê Trung Quốc.

Ngoài ra còn có các nhân tố dài hạn hơn. Để ứng phó với cuộc Đại Suy thoái 2008, Trung Quốc đã chuyển từ nền kinh tế định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu sang đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng trong nước. Động lực của nền kinh tế cũng chuyển từ khu vực tư nhân sang các doanh nghiệp quốc doanh.

Sự chuyển đổi này có thể đã thể đã khiến tăng trưởng năng suất lao động đi xuống. Trong khi đó, qui mô dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang suy giảm và nguồn cung lao động từ khu vực nông thôn hiện đã cạn kiệt.

Tái định hướng nền kinh tế để giảm ô nhiễm và hạn chế khí thải nhà kính cũng sẽ làm tăng trưởng chậm lại (mặc dù tác động tích cực lâu dài tới môi trường sẽ "đáng đồng tiền bát gạo").

Tuy nhiên nền kinh tế thế giới không chỉ bị đe dọa bởi một cuộc suy thoái xuất phát từ Trung Quốc. Cuộc chiến tranh thương mại cùng với căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa các cường quốc có nguy cơ làm chia rẽ Trung Quốc và phần còn lại của nền kinh tế thế giới.

Các đợt thuế quan đang khiến cho nhiều tập đoàn sản xuất toàn cầu chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đến các nước như Việt Nam và Bangladesh. Các doanh nghiệp dù là của Trung Quốc hay các nước khác cũng đang bị buộc phải lựa chọn giữa hợp nhất chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hoặc đến nơi khác.

Quá trình "di cư kinh tế" này nhiều khả năng sẽ kéo dài và tốn kém. Lịch sử 30 năm qua đã chứng kiến sự hình thành của hệ thống thương mại toàn cầu xoay quanh trục chính là Mỹ - Trung Quốc, nhưng giờ đây cấu trúc này đang sụp đổ.

Ngoài chi phí việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng và sự thiếu hiệu quả kinh tế do bị chia cắt thành hai hệ thống thương mại, các doanh nghiệp còn đang phải đối mặt với sự bất ổn ghê gớm liên quan đến nguồn nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ.

Song Ngọc