|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới đầu tư đảo lộn, các NHTW không thể một mình chống suy thoái

08:30 | 19/08/2019
Chia sẻ
Kỉ nguyên tiền rẻ kéo dài, lãi suất âm khiến các thị trường tài chính và chứng khoán "điên đảo". Financial Times cho rằng trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương dường như đang dần mất đi tác dụng và không còn đủ sức để ngăn chặn suy thoái.

Đối với người tiết kiệm và người đi vay, nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp, thế giới đã đảo ngược hết cả.

Tuần trước, một ngân hàng Đan Mạch phát hành khoản vay mua nhà lãi suất âm đầu tiên trên thế giới, tức là người đi vay tiền không phải thanh toán lãi và chỉ phải trả một số tiền gốc thấp hơn số tiền gốc ban đầu.

Một số ngân hàng áp dụng lãi suất âm khi nhận tiền gửi, tức là giờ đây người gửi tiền không được nhận lãi mà còn mất một phần gốc.

Các chính phủ đang trả lãi suất ngày càng cao cho các khoản vay kì hạn ngắn so với kì hạn dài. Nhiều doanh nghiệp và chính phủ còn đang đi vay bằng trái phiếu với lợi suất âm, tức là nếu nhà đầu tư ôm trái phiếu đến ngày đáo hạn thì chắc chắn sẽ lỗ.

Theo Financial Times, sự đảo ngược của logic tài chính nói trên có thể hết sức khó hiểu nhưng đều xuất phát từ những nguyên nhân rất cụ thể, và hiện tượng này đang gửi đi những tín hiệu cảnh báo quan trọng.

Một nguyên nhân ở đây là các ngân hàng trung ương liên tục nhiều năm liền nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất về gần 0, bằng 0 và sau đó là dưới 0 để bơm thanh khoản ra nền kinh tế.

Mặc dù tiền rẻ ngập tràn, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục chậm lại và cần được tăng cường kích thích. Tình trạng đảo lộn trên các thị trường tài chính cho thấy các ngân hàng trung ương không thể đơn thương độc mã vực dậy nền kinh tế.

Các tác dụng phụ ngoài ý muốn của kỉ nguyên tiền rẻ đang tăng lên. Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong các giai đoạn lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi. Nếu lãi suất tiền gửi âm, người gửi tiền sẽ có xu hướng giữ tiền mặt và cất vào trong két thay vì để ở ngân hàng.

Trong khi đó, các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu liên tục xuất hiện. Tuần trước Đức vừa cho biết GDP quí II của nước này suy giảm, Trung Quốc thì công bố tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp chậm nhất 17 năm. Do kì vọng tăng trưởng suy yếu và lạm phát thấp ngày càng lan rộng, lãi suất dài hạn vẫn đang đi xuống trên khắp thế giới.

Tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức lập đáy mới trong lịch sử. Tại Mỹ, mặc dù nền kinh tế đang khá ổn định và lạm phát thấp, lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 30 năm cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 2%.

Lợi suất TPCP kì hạn 10 năm của Mỹ đã ở dưới kì hạn 3 tháng kể từ tháng 5 năm nay, tạo nên tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược. Tuần vừa rồi, tình trạng đảo ngược lan rộng khi lợi suất kì hạn 2 năm cũng cao hơn kì hạn 10 năm, lần đầu tiên hiện tượng này xuất hiện từ năm 2005.

Các nhà đầu tư coi đây là dấu hiệu suy thoái đang đến gần và bán tháo cổ phiếu, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Mỹ đều giảm khoảng 3%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ngày 14/8 mất 800 điểm, đánh dấu phiên tồi tệ nhất từ đầu năm 2019 đến nay.

Trong quá khứ, đường cong lợi suất đảo ngược vì các ngân hàng trung ương muốn nâng lãi suất ngắn hạn để kiềm chế lạm phát, bất chấp nguy cơ có thể gây ra suy thoái. Lần này mọi chuyện lại khác, lạm phát đang rất thấp và các ngân hàng trung ương đang trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với suy thoái.

Thị trường có vẻ đang dự đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ thất bại trong việc đẩy lạm phát lên cao, vì vậy mà đường cong lợi suất đã đảo ngược.

Dù nguyên nhân thực sự là gì thì nền kinh tế thế giới đang cần trợ giúp, và cần rất gấp. Chính sách tiền tệ không thể gánh trọng trách này một mình, tuy nhiên các chính phủ vẫn đang rất chậm chạp trong việc chuyển sang công cụ tài khóa. Tình trạng này cần phải thay đổi.

Theo Financial Times, chính sách ưu tiên hiện nay là một gói kích thích tài khóa với mục tiêu tăng năng suất lao động thông qua các khoản đầu tư hỗ trợ tăng trưởng. 

Một số lựa chọn khác cần xem xét bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường xây dựng nhà ở công cộng và cắt giảm thuế suất có chọn lọc. Đây chính là công thức để quay trở về một nền kinh tế với tăng trưởng và lạm phát hợp lí hơn.

Việc lợi suất trái phiếu Đức tăng lên gần đây cho thấy sự chuyển đổi sang chính sách tài khóa có thể mang ý nghĩa lớn thế nào. 

Sau khi có các cuộc thảo luận liên quan đến việc bỏ qui định cân bằng ngân sách để tài trợ các dự án xanh, lợi suất TPCP Đức kì hạn 10 năm lập tức tăng mạnh. Tuy nhiên sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đức xuất hiện và dập tắt cuộc thảo luận.

Nước Đức giờ đây phải đối mặt với hai lựa chọn, thả lỏng phần nào các qui định bảo thủ về tài khóa hoặc tiếp tục dựa vào nới lỏng chính sách tiền tệ với rủi ro mất ổn định tài chính ngày càng lớn và gây thiệt hại cho người gửi tiền.

Các ngân hàng trung ương đã phải làm việc quá sức để kích cầu. Tuy nhiên khi đối mặt với sự bất ổn kéo dài liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nỗ lực của NHTW là chưa đủ. Thay vì thử thách giới hạn tận cùng của chính sách tiền tệ, các chính phủ phải vào cuộc với chính sách tài khóa.

Song Ngọc

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.