|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nguy cơ suy thoái xuất hiện, Dow Jones mất 800 điểm trong phiên tồi tệ nhất từ đầu năm

23:26 | 14/08/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/8 đồng loạt lao dốc, chỉ số Dow Jones có phiên tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019 sau khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu nền kinh tế Mỹ có thể sắp rơi vào suy thoái.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 800,49 điểm (3,05%) xuống còn 25.479,42 điểm. 

Chỉ số S&P 500 mất 2,93% và đóng cửa ở 2.840,60 điểm và Nasdaq Composite giảm 3,02%, kết phiên ở 7.773,94 điểm.

14-8 - 2

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ kết phiên 14/8. Nguồn: Bloomberg.

Sáng 14/8 (giờ Mỹ) lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm xuống dưới mức lợi suất kì hạn 10 năm và tạo thành một hiện tượng hiếm thấy trên thị trường trái phiếu có tên gọi "đường cong lợi suất đảo ngược". 

Đây là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy một đợt suy thoái kinh tế đang đến gần. Các nhà đầu tư vội vã tìm đến các tài sản an toàn kì hạn dài đã khiến cho lợi suất TPCP Mỹ kì hạn 30 năm cũng rơi xuống đáy thấp nhất lịch sử trong phiên 14/8.

photo-1

Lợi suất trái phiếu kì hạn 10 năm giảm xuống dưới lợi suất kì hạn 2 năm. Nguồn: CNBC.

Đường cong lợi suất đảo ngược đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cho rằng đầu tư vào trái phiếu kì hạn dài sẽ có lợi hơn so với kì hạn ngắn.

Nếu mua trái phiếu kì hạn ngắn, nhà đầu tư sẽ phải nghĩ đến việc tái đầu tư số tiền nhận về khi trái phiếu đáo hạn. Nếu nhà đầu tư cho rằng một cuộc suy thoái đang đến gần, mua trái phiếu kì hạn ngắn sẽ khiến nhà đầu tư phải chịu rủi ro tái đầu tư với tỉ suất lợi nhuận ngày một thấp.

Nếu mua trái phiếu kì hạn dài ngay từ đầu, nhà đầu tư sẽ có thể "khóa" tỉ suất lợi nhuận trong suốt kì hạn, không phải lo về rủi ro tái đầu tư.

Chẳng hạn, một cuộc suy thoái thường kéo dài 18 tháng, nếu NĐT nghĩ một cuộc suy thoái đang đến gần, họ sẽ muốn mua những trái phiếu có kì hạn trên 18 tháng (2, 3, 5, 10, … năm)

Khi nhu cầu tăng lên, trái phiếu dài hạn sẽ không cần đến lợi suất cao để thu hút nhà đầu tư. Ngược lại, nhu cầu của trái phiếu kì hạn ngắn xuống thấp và cần phải có lợi suất rất cao thì mới hút được dòng tiền.

Dần dần, lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng lên cao hơn cả trái phiếu dài hạn và đường cong lợi suất đảo ngược.

Cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên 14/8 do hoạt động của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong môi trường đường cong lợi suất đảo ngược cũng như lãi suất dài hạn giảm. 

Các ngân hàng nhận tiền gửi kì hạn ngắn và cho vay lại với kì hạn dài. Nếu lợi suất kì hạn ngắn cao hơn kì hạn dài, các ngân hàng sẽ khó có thể đạt lợi nhuận.

Cổ phiếu Bank of America và Citigroup giảm lần lượt 4,6% và 5,3%. Đại gia JP Morgan cũng giảm 4,2%. Nhóm cổ phiếu tài chính của chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh, giảm hơn 10% so với đỉnh 52 tuần.

"Sau khi đường cong lợi suất đảo ngược, thị trường cổ phiếu Mỹ cũng không thể trụ vững được lâu", chuyên gia phân tích kĩ thuật Stephen Suttmeier của Bank of America nhận định.

djia

Những phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones. Nguồn: FactSet, CNBC.

Theo dữ liệu của Credit Suisse, từ năm 1978 đến nay đã có tổng cộng 5 lần lợi suất TPCP kì hạn 2 năm lớn hơn kì hạn 10 năm và cả 5 lần sau đó đều xảy ra suy thoái, tuy nhiên sẽ có một khoảng trễ khá dài.

Trung bình, suy thoái xảy ra sau khi đường cong lợi suất đảo ngược khoảng 22 tháng. Trong 18 tháng sau khi đường cong lợi suất đảo ngược, S&P 500 vẫn có thể tăng trưởng trung bình 15% rồi sau đó mới quay đầu lao dốc.

Dù vậy, hiện tượng này vẫn làm cho nhà đầu tư hoảng sợ. Lần gần đây nhất đoạn đường cong lợi suất 2-10 năm đảo ngược là vào tháng 12/2005, tức tròn 2 năm trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra.

Ông Tom Essaye, nhà sáng lập của The Sevens Report nhận định: "Theo kinh nghiệm lịch sử, đường cong lợi suất đảo ngược có nghĩa là nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống suy thoái xảy đến trong khoảng 6-18 tháng tới và do vậy triển vọng thị trường trung-dài hạn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể".

Theo CNBC, các nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại nguy cơ kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại sau các thông tin tiêu cực từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Hôm 14/8, Trung Quốc cho biết sản lượng công nghiệp tháng 7 của nước này tăng trưởng 4,8% so với cùng kì năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 17 năm trở lại đây.

Cùng ngày, Đức cho biết GDP quí II của nước này giảm 0,1% so với quí trước, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang đứng ben bờ vực suy thoái. 

GDP của toàn khu vực eurozone cũng chỉ tăng trưởng 0,2% trong quí II, giảm đáng kể so với mức 0,4% quí trước đó.

gdp đuc

Tăng trưởng GDP của Đức từ quí I/2015 đến quí II/2019. Nguồn: BBC.

Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.