|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lo ngại suy thoái, Dow Jones mất gần 400 điểm xuống dưới mốc 26.000

06:44 | 13/08/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần 12/8 sụt giảm sâu khi lợi suất trái phiếu lao dốc trở lại, làm dấy lên nhiều lo ngại về suy thoái kinh tế

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 390 điểm (1,48%) và đóng cửa ở 25.896,44 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 35,56 điểm (1,22%) và cũng mất mốc 2.900 quan trọng. Chỉ số Nasdaq giảm 1,2% xuống còn 7.863,41 điểm.

Đây là phiên giảm điểm thứ hai của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi hồi phục hồi giữa tuần trước.

12-8

Biến động các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ và một số loại giá quan trọng. Nguồn: CNBC.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tuần trước giảm xuống dưới 1,6% - ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2016. Trong phiên 12/8, lợi suất này giao dịch ở 1,63%. Chênh lệch lợi suất kì hạn 2 và 10 năm thu hẹp chỉ còn 6 điểm cơ bản, gần mức thấp kỉ lục từ năm 2007 trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Mike Wilson – Chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley nhận định: "Xu thế giá xuống vẫn còn tiếp diễn. Chúng tôi cho rằng việc chỉ số S&P 500 thất bại trong việc bứt phá (breakout) trong tuần trước xác nhận tín hiệu rằng chúng ta vẫn đang trong một chu kì giá xuống".

Các cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ khi lợi suất giảm. Bank of America, Goldman Sachs cùng mất hơn 2%, JP Morgan giảm 1,87%. Chứng chỉ quĩ SPDR S&P Bank ETF giảm 2,1%.

Một nhân tố tiêu cực khác tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ là các cuộc biểu tình ở Hong Kong ngày càng trở nên căng thẳng. Sân bay Quốc tế Hong Kong đã phải hủy mọi chuyến bay rời đi do hoạt động bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các cổ phiếu nhạy cảm với thương mại như Caterpillar và Boeing giảm lần lượt 2,2% và 1%. Các hãng bán lẻ bị nhắm đến trong đợt thuế quan mới nhất trong cuộc chiến Mỹ - Trung đều chứng kiến giá cổ phiếu đi xuống, Office Depot sụt 5,6%, Nordstrom giảm 2,35%.

Ngoài ra, kết quả bầu cử tại Argentina cũng làm tăng thêm rủi ro địa chính trị. Các nhà đầu tư tại quốc gia Nam Mỹ này đã hoàn toàn bất ngờ khi vị lãnh đạo trung hữu – Tổng thống Mauricio Macri thất bại trong vòng bầu cử sơ bộ.

Chỉ số chứng khoán chính của Argentina sụt giảm hơn 30% chỉ trong một ngày. Tương tự, đồng peso Argentina cũng mất giá tới hơn 43% trong ngày 12/8, từ 45,25 peso đổi 1 USD thành 65 peso đổi 1 USD.

Tuần trước căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) để cho tỷ giá nhân dân tệ vượt quá ngưỡng 7 đổi 1 USD. Chính quyền Tổng thống Trump sau đó đã chính thức gắn mác thao tung tiền tệ lên Trung Quốc.

Sau diễn biến này, các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng quí IV của Mỹ 20 điểm cơ bản xuống còn 1,8%. Đồng thời ngân hàng này cũng cho rằng hai nước sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Ngân hàng Bank of America hôm 12/8 cũng nâng cảnh báo suy thoái xảy ra trong 12 tháng tới lên mức 1/3 vì cho rằng nhiều chỉ báo kinh tế đang "phát tín hiệu vàng".

Hôm 12/8 theo giờ Trung Quốc, PBoC xác định tỷ giá trung tâm ở mức 7,0211 NDT đổi 1 USD – phiên thứ ba liên tiếp NDT ở dưới ngưỡng tâm lí 7 quan trọng so với USD.

Đồng NDT suy yếu khiến cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ đi và Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc dùng tỷ giá để cạnh tranh không lành mạnh.

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.