|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ lại bị bán tháo, Dow Jones có lúc mất hơn 580 điểm giữa lo ngại suy thoái toàn cầu

21:12 | 07/08/2019
Chia sẻ
Sau khi giao dịch tích cực trong phiên 6/8, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 7/8 quay lại giảm sâu khi lợi suất trái phiếu toàn cầu lao dốc làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Phiên giao dịch sáng 7/8 (theo giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc giảm 589 điểm, tương đương 2,26%. Chỉ số S&P 500 mất 1,95% trong khi Nasdaq Composite mất gần 1,7%.

Tính từ đầu tháng 8, Dow Jones và S&P 500 đã giảm hơn 4,8%. Nasdaq mất 5,5%.

Phiên 7/8 các nhà đầu tư cũng ồ ạt chuyển sang các tài sản "tránh bão" an toàn như vàng hay Yen Nhật giống như phiên 5/8 khi thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh nhất năm 2019. Giá vàng hiện đã chạm ngưỡng cao nhất hơn 6 năm.

Trả lời hãng tin CNBC, ông Peter Cardillo – Kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities nói "Lợi suất trái phiếu đang lao dốc trong khi giá vàng tăng vọt. Vì vậy nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại tới nền kinh tế. Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong giai đoạn này".

106065552-1565181793718gettyimages-1159931369

Một nhà đầu tư trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York. Ảnh: Getty Image.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tụt xuống dưới 1,6%, ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2016 khi ông Trump đắc cử. Mở đầu tháng 8, lợi suất này còn ở trên 2%.

Biến động này khiến cho đường cong lợi suất của Mỹ thêm phẳng hay thậm chí đảo ngược ở một số đoạn. Trong lịch sử, đường cong lợi suất đảo ngược thường là dấu hiệu báo trước suy thoái kinh tế.

Chênh lệch lợi suất kì hạn 10 năm và 2 năm của Mỹ giảm xuống chỉ còn 8 điểm cơ bản, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Lợi suất kì hạn 3 tháng hiện đã cao hơn kì hạn 10 năm.

Ông Jeff Kilburg, CEO của KKM Financial cho biết: "Ngoài những hiện tượng trên, còn phải kể đến dòng vốn liên tục chảy vào trái phiếu chính phủ Đức. Đây là dấu hiệu rất đáng sợ. Cuối năm ngoái, giá trị tài sản có lợi suất âm là 8.000 tỉ USD, hiện nay con số này đã tăng lên thành 15.000 tỉ USD".

Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kì hạn 10 năm giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong lịch sử là âm 0,59%.

Cổ phiếu ngân hàng, bao gồm JP Morgan Chase và Bank of America dẫn đầu đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ do đây là nhóm ngành thiệt hại nhiều nhất khi lãi suất đi xuống. Cổ phiếu JP Morgan mất 2,8% trong khi Bank of America mất 3,3%.

Cổ phiếu Disney mất hơn 3% sau khi doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh không đạt kì vọng của giới phân tích

Trước đó, kết phiên 6/8 chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng gần 312 điểm lên 26.029,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,3% lên 2.881,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng gần 1,4% lên 7.833,27 điểm.

Diễn biến tích cực phiên 6/8 giúp Dow Jones chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp; S&P 500 và Nasdaq cũng dừng chuỗi 6 phiên đi xuống liên tục.

Đợt bán tháo này bắt đầu tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 thông báo kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. 

Sau đó, thị trường lại tiếp tục chao đảo khi Trung Quốc hôm 5/8 thả cho giá trị đồng NDT xuống mức thấp nhất trong 11 năm đồng thời ra lệnh ngừng mua nông sản Mỹ. Cùng ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ gắn mác quốc gia thao túng tiền tệ lên Trung Quốc. 

Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục "đấu đá" lẫn và đẩy xung đột thương mại không ngừng leo thang đã khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Song Ngọc