Chứng khoán Mỹ ngập tràn sắc xanh sau phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm, Dow Jones lấy lại mốc 26.000
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 311,78 điểm lên 26.029,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,3% lên 2.881,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng gần 1,4% lên 7.833,27 điểm.
Diễn biến tích cực phiên 6/8 giúp Dow Jones chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp; S&P 500 và Nasdaq cũng dừng chuỗi 6 phiên đi xuống liên tục.
Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 6/8. Nguồn: Bloomberg.
Trước đó vào ngày 5/8, thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm sâu nhất tính từ đầu năm 2019 khi Dow Jones sụt hơn 767 điểm, S&P 500 mất gần 3% và Nasdaq giảm gần 3,5% sau khi Mỹ và Trung Quốc liên tục trả đũa lẫn nhau khiến căng thẳng thương mại leo thang nhanh chóng.
Một số cổ phiếu giảm sâu trong phiên 5/8 như Apple, Micron Technology và Nike đều nằm trong nhóm tăng mạnh nhất phiên 6/8. Cụ thể, Apple và Micron đều tăng trên 1,5%, Nike vọt lên gần 3%.
Tâm lí nhà đầu tư thêm tích cực trong phiên 6/8 là nhờ việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) xác định tỷ giá trung tâm của đồng nhân dân tệ ở mức mạnh hơn 7 NDT đổi 1 USD. Thông báo này đã giúp trấn an thị trường ngoại hối.
Thị trường này trước đó bị một phen náo loạn khi giá trị NDT giảm xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD và cũng là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Ông Tom Essaye – Nhà sáng lập của The Sevens Report nhận định: "Nhìn về tương lai, sự ổn định trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là nhân tố quan trọng nhất đối với sự ổn định của cả thị trường. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, thị trường vẫn sẽ giảm sâu bất kể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có làm gì".
"Tôi nói như vậy là bởi việc Fed giảm lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản cũng không thấm vào đâu so với tác động của một cuộc chiến thương mại kéo dài và căng thẳng lên từng ngày".
Dù tăng khá mạnh trong phiên 6/8, các chỉ số vẫn thấp hơn mức điểm đầu tháng 8.
Đợt bán tháo này bắt đầu tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 thông báo kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Sau đó, thị trường lại tiếp tục chao đảo khi Trung Quốc hôm 5/8 thả cho giá trị đồng NDT xuống mức thấp nhất trong 11 năm.
Cùng ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ gắn mác quốc gia thao túng tiền tệ lên Trung Quốc. Trước đó ít giờ, Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề tỷ giá này:
Trên Twitter, ông Trump nói: "Trung Quốc phá giá đồng nội tệ xuống gần mức thấp nhất lịch sử. Hành động đó gọi là 'thao túng tiền tệ'. Fed có biết điều này không? Đây là một sai phạm nghiêm trọng và sẽ khiến cho Trung Quốc suy yếu đáng kể trong tương lai".
Lời chỉ trích Trung Quốc trên Twitter ông Trump ngày 5/8. Ảnh chụp màn hình.
Ngoài ra, Trung Quốc còn xác nhận thông tin nước này đã tạm ngừng nhập khẩu hàng nông sản Mỹ, khiến cuộc chiến thương mại càng thêm căng thẳng.
Trả lời phỏng vấn CNBC hôm 6/8, ông Larry Kudlow - Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump cho biết phía Mỹ "muốn đàm phán" và đang chuẩn bị để đón phái đoàn Trung Quốc sang Washington vào tháng 9 tới. Ông cũng cho biết vấn đề thuế quan có thể sẽ có nhiều thay đổi.
Ông còn cho rằng nước Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong đàm phán thương mại với Trung Quốc do sự khác biệt về sức mạnh nền kinh tế.
"Nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp. Trung Quốc không còn là cỗ máy mạnh mẽ như 20 năm về trước", ông Kudlow nói với CNBC.