|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump bác bỏ lo ngại suy thoái, bảo vệ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

11:27 | 19/08/2019
Chia sẻ
Vào hôm 18/8, Tổng thống Trump đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Mỹ không có khả năng suy thoái. Đồng thời, một số nhân vật "sừng sỏ" như cố vấn kinh tế Larry Kudlow và cố vấn thương mại Peter Navarro đều bảo vệ quan điểm về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung của ông Trump.
106040402-1564071320265gettyimages-957424132

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Bloomberg)

Vào hôm 18/8, Tổng thống Donald Trump cho biết ông không nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế sau một tuần đầy biến động trên thị trường.

"Tôi không nghĩ chúng ta sắp đón nhận một cuộc suy thoái kinh tế", ông Trump trả lời trước báo giới. "Nước Mỹ đang vận hành hiệu quả, người tiêu dùng giàu có, dư giả. Tôi đã mạnh tay giảm thuế và họ đang có rất nhiều tiền".

Thị trường trái phiếu đã phát tín hiệu vào hôm 14/8 khi lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm thấp hơn lợi suất kì hạn hai năm. Các chuyên gia thường xem đây là dấu hiệu cho thấy suy thoái có khả năng diễn ra. Chỉ số Dow Jones đã giảm 800 điểm, tương đương 3%, khi biến động trên thị trường trái phiếu khiến nhà đầu tư hoảng sợ.

Tổng thống Donald Trump đã gọi điện CEO ba ngân hàng lớn gồm JP Morgan Chase, Bank of America và Citigroup trước sự chững lại của thị trường chứng khoán trong ngày 14/8. Ông Trump yêu cầu các nhân vật này đưa ra nhận định về "sức khỏe" của hoạt động mua sắm, tiêu dùng tại Mỹ.

Các giám đốc điều hành này cho hay, hoạt động tiêu dùng trong nước đang diễn ra ổn định, tuy nhiên sẽ có khởi sắc hơn nữa nếu các vấn đề như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được giải quyết, CNBC đưa tin.

Vào hôm 18/8, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump là Larry Kudlow nhận định doanh số bán lẻ mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp thấp là dấu hiệu nền kinh tế vẫn ổn định.

"Tôi nghĩ rằng nước Mỹ đang vận hành khá tốt", ông nói. Tuy nhiên, chỉ số PMI - một thước đo về hoạt động sản xuất công nghiệp của Mỹ gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 do nhu cầu suy yếu và hoạt động tuyển dụng chững lại.

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro không cho rằng đường cong lợi suất đã đảo ngược. Ông nhận định đường cong lợi suất khá phẳng và tuyên bố đây là dấu hiệu cho thấy vốn nước ngoài đang chảy vào Mỹ, từ đó làm tăng giá trái phiếu kì hạn dài và làm giảm lợi suất.

"Trong trường hợp này, đường cong lợi suất phẳng thực chất là kết quả của một nền kinh tế Mỹ thịnh vượng dưới thời ông Trump", ông Navarro nói.

Cả ông Kudlow và ông Navarro đều mạnh mẽ bảo vệ cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà ông Trump khởi xướng. Vào đầu tháng này, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông sẽ áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã quyết định hoãn thuế đối với một số mặt hàng cho đến ngày 15/12 do lo ngại rằng thuế suất mới có thể gây ảnh hưởng đến mùa mua sắm dịp lễ Giáng sinh. Điều này dường như mâu thuẫn với tuyên bố trước đây của Chính quyền Tổng thống Trump rằng Trung Quốc mới là phía chịu gánh nặng thuế quan.

Ông Trump đã nhắc lại lập trường của ông vào hôm 18/8: "Trung Quốc đang phải chi trả thuế quan, ít nhất là cho đến nay".

Cố vấn Navarro cho hay, Mỹ sắp giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại và bác bỏ lập luận rằng người Mỹ đang chịu gánh nặng trên, bất chấp nhiều lời phàn nàn từ nông dân Mỹ (nhóm đối tượng nhìn chung ủng hộ ông Trump) rằng cuộc thương chiến đang làm tổn thương họ.

Về phần mình, ông Kudlow cho hay Washington đang bị khóa chặt trong một cuộc chiến về công nghệ với Bắc Kinh.

"Chúng ta đang trong một cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, và chúng ta không thể để họ đánh cắp mất báu vật là động lực tăng trưởng thần kì của nền kinh tế Mỹ".

Cũng trong ngày 18/8, Tổng thống Trump tuyên bố ông không muốn hợp tác làm ăn với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei sau khi báo chí đưa tin vào cuối tuần rằng Nhà Trắng đang lên kế hoạch gia hạn giấy phép mua linh kiện và công nghệ Mỹ cho Huawei.

"Tôi không muốn hợp tác với Huawei vì đây là mối đe dọa an ninh quốc gia", ông Trump nói. "Chúng ta sẽ xem chuyện gì sắp xảy ra. Tôi sẽ đưa ra quyết định vào ngày 19/8".

Yên Khê

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.