Công cụ luật pháp và chính sách (Legal and policy instruments) trong kinh tế tài nguyên là gì?
Hình minh họa (Nguồn: nourattorneys)
Công cụ luật pháp và chính sách
Khái niệm
Công cụ luật pháp và chính sách trong tiếng Anh tạm dịch là: Legal and policy instruments.
Công cụ luật pháp chính sách hay còn gọi là các công cụ pháp lí bao gồm:
Các văn bản về luật quốc tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật (pháp lệnh, nghị định, qui định, các tiêu chuẩn môi trường, giấy phép môi trường ...), các kế hoạch, chiến lược và chính sách môi trường quốc gia, các ngành kinh tế và các địa phương.
Giải thích các thuật ngữ liên quan
- Luật quốc tế về môi trường là tổng thể các nguyên tắc, qui phạm quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường ngoài phạm vi sử dụng của quốc gia.
Cho đến nay đã có hàng nghìn các văn bản luật quốc tế về môi trường. Việt Nam đã tham gia kí kết nhiều văn bản trong số đó.
Pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường do nhiều nước kí kết hoặc tham gia không có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ quốc gia cụ thể.
Muốn thi hành trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nào đó, các qui phạm của Luật quốc tế về bảo vệ môi trường cần phải được chuyển hoá thành qui phạm pháp luật quốc gia, nghĩa là Nhà nước phải phê chuẩn các văn bản này.
- Luật Môi trường quốc gia là tổng hợp các qui phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp lí điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình các chủ thể sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi trường.
Trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người.
Hệ thống luật bảo vệ môi trường của một quốc gia thường gồm luật chung và luật sử dụng hợp lí các thành phần môi trường hoặc bảo vệ môi trường cụ thể ở một địa phương, một ngành.
- Các công cụ pháp lí là các công cụ quản lí trực tiếp (còn gọi là công cụ mệnh lệnh và kiểm soát - CAC). Đây là loại công cụ được sử dụng phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới và là công cụ được nhiều nhà quản lí hành chính ủng hộ.
Giám sát và cưỡng chế là hai yếu tố quan trọng của công cụ này. Có thể thấy những ưu điểm nổi bật của loại công cụ này:
+ Thứ nhất, công cụ này được coi là bình đẳng đối với mọi người gây ô nhiễm và sử dụng tài nguyên môi trường vì tất cả mọi người đều phải tuân thủ những qui định chung;
+ Thứ hai, công cụ này có khả năng quản lí chặt chẽ các loại chất thải độc hại và các tài nguyên quí hiếm thông qua các qui định mang tính cưỡng chế cao trong thực hiện.
Bên cạnh những ưu điểm đó, công cụ CAC cũng còn tồn tại một số hạn chế như đòi hỏi nguồn nhân lực và tài chính lớn để có thể giám sát được mọi khu vực, mọi hoạt động nhằm xác định khu vực bị ô nhiễm và các đối tượng gây ô nhiễm.
Đồng thời, để bảo đảm hiệu quả quản lí, hệ thống pháp luật về môi trường đòi hỏi phải đầy đủ và có hiệu lực thực tế.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)