|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) là gì?

16:16 | 01/06/2020
Chia sẻ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hoạt động để đảm bảo năng lượng đáng tin cậy, có giá cả phải chăng và sạch cho các quốc gia thành viên và hơn thế nữa.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) là gì? - Ảnh 1.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế

Khái niệm

Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong tiếng Anh là International Energy Agency, viết tắt là IEA.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hoạt động để đảm bảo năng lượng đáng tin cậy, có giá cả phải chăng và sạch cho các quốc gia thành viên và hơn thế nữa. Các lĩnh vực chính của nó tập trung vào an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, nhận thức về môi trường và cam kết trên toàn thế giới.

IEA là một cơ quan tự trị trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hội đồng quản trị là cơ quan quyết định chính của IEA, gồm các bộ trưởng năng lượng hoặc đại diện cấp cao của họ từ mỗi nước thành viên.

Ngoài ra, IEA có một số nhóm thường trực, ủy ban và các nhóm làm việc được thành lập từ các quan chức chính phủ các nước thành viên, họ gặp nhau nhiều lần trong năm.

IEA hoạt động trong khuôn khổ tài chính của OECD. Bên cạnh đó, các nước và các bên liên quan đến năng lượng khác cũng đóng góp tự nguyên để hỗ trợ các chương trình của IEA. Khoảng một phần ba chi tiêu của IEA được tài trợ bởi các khoản đóng góp tự nguyện, phần lớn là từ các nguồn của chính phủ. Nó cũng nhận được tài trợ từ các nguồn tư nhân và đóng góp bằng hiện vật.

Tiêu chí trở thành thành viên của IEA

IEA được thành lập từ 30 nước thành viên. Trước khi trở thành một nước thành viên của IEA, nước ứng cử phải đáp ứng một số tiêu chí.

- Họ phải có trữ lượng dầu thô hoặc sản phẩm từ dầu thô tương đương lượng nhập khẩu ròng trong 90 ngày của năm trước, mà chính phủ có quyền can thiệp ngay cả khi họ không trực tiếp sở hữu chúng, và có thể được sử dụng để giải quyết sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu trên toàn cầu.

- Họ phải có một chương trình hạn chế nhu cầu để giảm mức tiêu thụ dầu quốc gia lên tới 10%.

- Họ phải có kế hoạch quốc gia thay thế cho các Biện pháp ứng phó khẩn cấp phối hợp (CERM).

- Ngoài ra, tất cả các công ty dầu thuộc khu vực pháp lí của quốc gia phải báo cáo thông tin theo yêu cầu.

- Cuối cùng, họ phải có khả năng tham gia vào bất kì hoạt động tập thể nào của IEA.

Lịch sử của IEA

IEA được thành lập để đối phó với cuộc khủng hoảng Chiến tranh Trung Đông năm 1973 - 1974 và hậu quả của nó. Các bài học về chính sách và thể chế của cuộc khủng hoảng đã dẫn đến việc thành lập IEA vào cuối năm 1974 với một nhiệm vụ to lớn về an ninh năng lượng và hợp tác chính sách năng lượng giữa các nước thành viên.

Các quyết định chính sách chính và cơ cấu cơ quan được qui định trong thỏa thuận IEA dưới hiệp ước Chương trình năng lượng quốc tế.

Nó trở thành tâm điểm hợp tác năng lượng về an ninh nguồn cung, chính sách dài hạn, minh bạch thông tin, năng lượng và môi trường, nghiên cứu và phát triển, và các mối quan hệ năng lượng quốc tế.

IEA đã phát triển và mở rộng, đến nay nó cung cấp số liệu thống kê, phân tích và kiểm tra toàn bộ các vấn đề năng lượng, ủng hộ chính sách hướng tới sự tin cậy, khả năng chi trả và tính bền vững của năng lượng.

(Theo Investopedia)

Ích Y