Cổ đông thiểu số (Minority shareholder) là ai? Quyền cổ đông thiểu số
Cổ đông thiểu số
Khái niệm
Cổ đông thiểu số trong tiếng Anh gọi là: Minority shareholder.
Cổ đông thiểu số là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít cổ phần trong một công ty hơn của một cổ đông nắm quyền kiểm soát (controlling shareholder). (Theo Cambridge Dictionary)
Quyền cổ đông thiểu số
Quyền cổ đông thiểu số (CĐTS) là khả năng của CĐTS được xử sự theo những cách thức nhất định mà pháp luật cho phép. CĐTS có thể tự thực hiện những hành động nhất định, bằng chính hành động của mình tiến hành cách xử sự mà pháp luật qui định nhằm đạt được lợi ích của mình. Cụ thể:
- Quyền nhận cổ tức.
CĐTS chỉ nhận được cổ tức khi công ty làm ăn có lãi và Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết định chia cổ tức với tỉ lệ nhất định. Như vậy, việc chia cổ tức hay không phụ thuộc vào ĐHĐCĐ, mà ĐHĐCĐ quyết định theo tỉ lệ số phiếu biểu quyết.
Do vậy, nếu cổ đông đa số cố tình không thông qua việc chia cổ tức thì CĐTS cũng không thể đòi cổ tức được. Vì vậy, pháp luật nên có qui định chặt chẽ hơn về việc chi trả cổ tức cho cổ đông trong đó có CĐTS.
- Quyền được ưu tiên mua cổ phần.
CĐTS cũng được đảm bảo thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần. Qui định này của pháp luật muốn đảm bảo quyền lợi của cổ đông phổ thông vẫn giữ nguyên khi công ty cổ phần tăng vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ đông đa số vẫn có thể chèn ép CĐTS như đưa ra phương án phát hành cổ phần bất lợi cho CĐTS.
- Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần.
Quyền này giúp cho CĐTS tự thể hiện ý chí, bảo vệ quyền lợi của mình vì nếu ý kiến của họ không được chấp thuận khi phản đối nghị quyết về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông qui định tại Điều lệ công ty thì có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
(Tài liệu tham khảo: Quyền của cổ đông thiểu số theo qui định của pháp luật Việt Nam so với Thái Lan, Singapore, Philipines và khuyến nghị cho Việt Nam, ThS. Huỳnh Thị Trúc Linh, Tạp chí Công thương, 2020)