|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines: Sở hữu hãng bay 5 sao, lỗ 13.500 tỷ đồng trong một quý

10:47 | 09/08/2021
Chia sẻ
Nếu các hãng hàng không Việt Nam chật vật vì COVID-19 thì ANA Holdings tại Nhật Bản – cổ đông lớn của Vietnam Airlines - cũng đang thua lỗ nặng nề. Tuy nhiên, số lỗ quý vừa qua đã giảm nhiều so với các quý trước.
Cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines: Vận hành hãng bay 5 sao, lỗ 13.500 tỷ đồng trong một quý - Ảnh 1.

Tàu bay của ANA Holdings tại sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản ngày 23/10/2020. (Ảnh: Reuters).

ANA Holdings là tập đoàn hàng không lớn nhất tại nhật Bản, hiện đang sở hữu 5 hãng hàng không là All Nippon Airways, Air Japan, ANA Wings, Peach Aviation (hàng không giá rẻ) và ANA Cargo (chuyên chở hàng hóa).

Ngoài ra, tập đoàn còn có nhiều công ty con khác hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới hàng không như bảo dưỡng và sửa chữa máy bay, nhiêu liệu bay, suất ăn, …

Ở nước ta, ANA được biết đến nhiều trong vai trò cổ đông chiến lược duy nhất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) kể từ tháng 7/2016 đến nay. Ông Tomoji Ishii, Giám đốc chiến lược của ANA Holdings cũng đang là Thành viên HĐQT của Vietnam Airlines.

Giảm lỗ trong quý II/2021

Trong quý II/2021 (tức quý I theo niên độ tài chính của ANA Holdings), tập đoàn ghi nhận doanh thu hoạt động 199 tỷ yen (tương đương 41.800 tỷ đồng), tăng gần 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ vận tải hàng không tăng gần 79% và chiếm 85% trong cơ cấu.

Chi phí hoạt động giảm 6% nhưng vẫn lên tới 263,5 tỷ yen (tức 55.300 tỷ đồng), cao hơn hẳn so với doanh thu.

Vì vậy, ANA Holdings ghi nhận lỗ hoạt động khoảng 13.500 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ khoảng 10.700 tỷ, giảm quá nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines: Vận hành hãng bay 5 sao, lỗ 13.500 tỷ đồng trong một quý - Ảnh 2.

Liên tiếp từ quý đầu năm 2020 đến nay, ANA Holdings đã trải qua 6 quý thua lỗ liên tiếp. Tuy nhiên, kết quả quý gần đây đã cải thiện rõ rệt so với ba quý cuối năm 2021. 

ANA cho biết ngành hàng không đã có một số dấu hiệu phục hồi, đặc biết là nhu cầu tăng lên ở Mỹ và châu Âu nhờ đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Hoạt động của doanh nghiệp và các thương vụ đầu tư cũng đang thoát khỏi vùng đáy.

Tuy vậy, các chuyến bay quốc tế vẫn gặp nhiều trở ngại do hạn chế về nhập cảnh ở nhiều quốc gia. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và mức chi tiêu cá nhân còn thấp.

Ông Ichiro Fukuzawa, Giám đốc Tài chính của ANA cho hay: "Chuyển biến tích cực trong kết quả hoạt động quý II của chúng tôi đạt được là nhờ tăng trưởng ấn tượng trong mảng vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại hồi phục và các biện pháp cắt giảm chi phí có chọn lọc".

Cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines: Vận hành hãng bay 5 sao, lỗ 13.500 tỷ đồng trong một quý - Ảnh 3.

Theo thống kê của ANA, trong quý vừa qua tập đoàn này vận chuyển 131.000 hành khách trên các chặng bay quốc tế và đạt doanh thu 12,9 tỷ yen, tăng lần lượt 43,4% và 36,5% so với cùng kỳ 2020. Với các chặng bay nội địa, số hành khách và doanh thu tăng tương ứng 150% và 124%. 

Riêng hãng hàng không giá rẻ (LCC) Peach Aviation cũng ghi nhận những kết quả đáng mừng như lượng hành khách tăng 187% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 129%, hệ số lấp đầy cải thiện từ 35,3% lên 46,8%.

Cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines: Vận hành hãng bay 5 sao, lỗ 13.500 tỷ đồng trong một quý - Ảnh 4.

Hoạt động vận tải hàng hóa khởi sắc, chủ yếu nhờ nhu cầu quốc tế tăng vọt. ANA Cargo đã phải huy động các máy bay chở khách để chở hàng trong lúc cao điểm. Những sản phẩm được vận chuyển chủ yếu là phụ tùng ô tô, linh kiện bán dẫn, hoặc nông sản như cherry Bắc Mỹ. 

Doanh thu chở hàng quốc tế tăng 160% lên mức kỷ lục 66 tỷ yen (khoảng 13.900 tỷ đồng). Mảng vận chuyển hàng nội địa cũng đem về doanh thu gần 6 tỷ yen, tăng 64%.

Từ chối quyền mua cổ phiếu tăng vốn của Vietnam Airlines

Trước khi dịch COVID-19 ập đến, ANA Holdings từng có nhiều năm liền làm ăn có lãi. Tuy nhiên trong năm tài khóa 1/4/2020 - 31/3/2021, tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản này báo lỗ gần 406 tỷ yen, tương đương 85.000 tỷ đồng; dòng tiền hoạt động cũng âm khoảng 56.800 tỷ đồng.

Cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines: Vận hành hãng bay 5 sao, lỗ 13.500 tỷ đồng trong một quý - Ảnh 5.

Năm tài chính của ANA Holdings bắt đầu từ 1/4 đến 31/3 năm sau.

Giữa bối cảnh khó khăn chung của ngành hàng không, ANA Holdings cũng không thể hỗ trợ tài chính cho đối tác chiến lược Vietnam Airlines. 

Năm 2020, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.000 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, số lỗ ước tính khoảng 5.900 tỷ, cả năm 2021 dự kiến lỗ 14.500 tỷ

Vietnam Airlines đang triển khai đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp cho các cổ đông hiện hữu. 

ANA Holdings được quyền mua 70 triệu cổ phiếu, trị giá 700 tỷ đồng, nhưng đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ số quyền mua nói trên cho người lao động của Vietnam Airlines với giá 0 đồng.

Dự kiến sau đợt phát hành này của Vietnam Airlines, tỷ lệ sở hữu của ANA sẽ bị pha loãng từ 8,77% xuống còn 5,61%, vẫn đủ để làm cổ đông lớn.

All Nippon Airways được thành lập vào năm 1952 chỉ với hai chiếc trực thăng. Ngày nay, ANA đã được Skytrax xếp hạng 5 sao và trở thành hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản với đội bay 284 chiếc (tính đến ngày 30/6/2021).

ANA Holdings được thành lập vào năm 2013 để quản lý 71 công ty con trong hệ thống.

Đội bay của ANA có 75 chiếc thân rộng Boeing 787 (các phiên bản 8, 9 và 10), giúp hãng trở thành khách hàng lớn nhất của dòng Dreamliner này.

Vietnam Airlines tại ngày 30/6 năm nay có đội bay 107 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 (loại 9 và 10) cùng 14 chiếc thân rộng Airbus A350.

Song Ngọc - Đức Quyền