|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines dự kiến lỗ hơn 14.500 tỷ, phấn đấu giảm chi phí 6.800 tỷ bằng loạt giải pháp

06:06 | 14/07/2021
Chia sẻ
Sau khi lỗ kỷ lục gần 11.200 tỷ đồng trong năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến sẽ lỗ thêm 14.526 tỷ trong năm 2021 do nhiều yếu tố bất lợi liên quan tới COVID-19.
Vietnam Airlines dự kiến lỗ tiếp hơn 14.500 tỷ, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 1.

Một tàu bay Vietnam Airlines tại Chu Lai, Quảng Nam. (Ảnh: Song Ngọc).

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức vào sáng 14/7.

Ban lãnh đạo công ty đánh giá môi trường vĩ mô năm 2021 có một số yếu tố thuận lợi như nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng, tỷ giá hối đoái ổn định và diễn biến theo hướng tích cực cho các hãng hàng không.

Tuy vậy, các khó khăn là rất lớn. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với các đợt bùng phát mới và các biến thể của virus SARS-CoV-2. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên thế giới cũng chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu.

Kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu suy thoái, thu nhập người dân bị ảnh hưởng sẽ khiến nhu cầu đi lại sa sút trong dài hạn.

Tại Việt Nam, hai đợt bùng phát dịch bệnh xuất hiện đúng vào các giai đoạn cao điểm Tết và trước kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 rồi kéo dài sang cả cao điểm hè đã tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ tiếp hơn 14.500 tỷ, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 2.

Việt Nam có những ngày ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới.

Giá dầu năm 2021 dự kiến tăng cao, trung bình cả năm khoảng 70,4 USD/thùng, khiến cho chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 700 tỷ so với năm 2020.

Kế hoạch thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng

Vietnam Airlines cho biết tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hãng. Trong 6 tháng đầu năm, lỗ công ty mẹ dự kiến khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất khoảng 10.788 tỷ, chỉ số tài chính thay đổi theo hướng tiêu cực và rủi ro.

Trong quý I, Vietnam Airlines đã ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 4.975 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 1.030 tỷ. Như vậy, trong quý II, tổng công ty ước tính lỗ thêm khoảng 5.800 tỷ và âm vốn chủ.

Cả năm 2021, Vietnam Airlines lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm ngoái, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng 30% so với số lỗ kỷ lục 11.178 tỷ của năm 2020.

Giả sử Vietnam Airlines hoàn thành kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng trong năm nay thì với số lỗ khổng lồ như trên, vốn chủ sở hữu cuối năm vẫn sẽ âm.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ tiếp hơn 14.500 tỷ, âm vốn chủ sở hữu - Ảnh 3.

KH = Kế hoạch; TH = Thực hiện.

Các mục tiêu kinh doanh nói trên được Vietnam Airlines đặt ra dựa trên các giả định:

1. Hoàn thành kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008.

2. Cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện.

3. Chính phủ cho phép mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin.

4. Hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ.

5. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ về chi phí cất hạ cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế, phí khác.

6. Hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021 dự kiến sẽ giúp tiết kiệm khoảng 6.800 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội sáng 14/7, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết riêng mảng sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ có thể cắt giảm chi phí khoảng 5.300 tỷ theo hướng đàm phán với đối tác, giảm giá, giãn thanh toán ... mà không để ảnh hưởng tới an toàn bay.

Một hãng hàng không khác của nước ta là Vietjet Air từng đặt mục tiêu lãi sau thuế hợp nhất cả năm 2021 khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi bùng phát dịch đợt 4, công ty phấn đấu hòa vốn.

Vietnam Airlines bên bờ vực phá sản

Ước tính kết quả kinh doanh nửa đầu năm và kế hoạch kinh doanh cả năm 2021 của Vietnam Airlines không gây nhiều bất ngờ. Từ giữa tháng 6, một dự thảo báo báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình các doanh nghiệp đã cho biết Vietnam Airlines nhiều khả năng lỗ 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm và đang đứng bên bờ vực phá sản.

Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines nhưng đến hết tháng 6, vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, tổng công ty này chưa nhận được tiền.

Sang đầu tháng 7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB), và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang chuẩn bị phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III năm nay.

Quốc hội đã đồng ý cho Vietnam Airlines chào bán cổ phiếu ngay cả khi kết quả kinh doanh năm liền trước là thua lỗ. Đại hội cổ đông bất thường ngày 29/12/2020 dự kiến phát hành xong trong nửa đầu năm 2021 nhưng thực tế không hoàn thành.

Đức Quyền