|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines khó thoát cảnh âm vốn dù đã được bơm thêm gần 8.000 tỷ

08:50 | 30/09/2021
Chia sẻ
Do điều kiện hoạt động nửa cuối năm 2021 đầy rẫy bất lợi, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines nhiều khả năng vẫn ở dưới 0 dù đã bán thành công hơn 796 triệu cổ phiếu.
Vietnam Airlines khó thoát cảnh âm vốn dù đã được bơm thêm gần 8.000 tỷ - Ảnh 1.

Chuyến bay của Vietnam Airlines đưa y bác sĩ từ Hà Nội vào Bình Dương chống dịch, tháng 7/2021. (Ảnh: HVN).

Tại ngày 30/6 năm nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) lỗ lũy kế 17.772 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ sau 6 quý thua lỗ liên tục.

Ngày 26/9, Vietnam Airlines đã đề nghị Thủ tướng đặc cách cho phép hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN được tiếp tục niêm yết tại HOSE dù tổng công ty có thể bị âm vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn.

Báo giới và một số chuyên gia cho rằng nếu Chính phủ đặc cách cho cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ gây ra tình trạng ỷ lại, thiếu công bằng và trái với quy định chung.

Ngày 28/9, Vietnam Airlines gửi ra thông cáo với nội dung: "Vietnam Airlines thoát âm vốn chủ sở hữu sau khi bổ sung thành công gần 8.000 tỷ đồng tăng vốn"

Cụ thể vào trung tuần tháng 9, tổng công ty này đã hoàn tất đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi 10.000 đồng/đơn vị. Thực tế, các cổ đông đã mua 796 triệu cổ phiếu, mang lại cho Vietnam Airlines 7.961 tỷ đồng. Riêng cổ đông Nhà nước đã rót xấp xỉ 6.900 tỷ đồng, tương đương 86,6% số vốn mà Vietnam Airlines tăng thêm.

Vietnam Airlines khó thoát cảnh âm vốn dù đã được bơm thêm gần 8.000 tỷ - Ảnh 2.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu hơn 86,3% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.

Lỗ hổng trong tính toán

Nếu cộng số tiền vừa huy động được (7.961 tỷ) với số vốn chủ sở hữu thời điểm giữa năm (âm 2.750 tỷ) thì hẳn nhiên sẽ được con số dương 5.211 tỷ đồng.

Vietnam Airlines khẳng định tổng công ty này "đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE".

Tuy nhiên, cách tính toán này có một lỗ hổng lớn là hai con số không phản ánh tình hình tại cùng một thời điểm: Báo cáo tài chính mới nhất của Vietnam Airlines ghi nhận số liệu tại ngày 30/6, còn đợt tăng vốn kết thúc vào giữa tháng 9.

Muốn chứng minh vốn chủ sở hữu của mình đã hết âm, Vietnam Airlines sẽ cần công bố bảng cân đối kế toán tại một ngày gần đây (trong tháng 9) với chi tiết các số liệu về tài sản, nợ phải trả cũng như vốn chủ.

Hạn chót để Vietnam Airlines nộp báo cáo tài chính quý III (1/7 – 30/9) là ngày 30/10. Tuy nhiên, có khả năng tổng công ty này sẽ xin gia hạn với lý do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người lao động làm việc tại nhà, việc tổng hợp số liệu gặp nhiều khó khăn tương tự như với báo cáo tài chính quý II.

Chừng nào Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo đầy đủ thì chừng đó chưa thể khẳng định vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là âm hay dương.

Vietnam Airlines vẫn âm vốn chủ trong kịch bản nào?

Một trong những nhân tố có thể khiến Vietnam Airlines vẫn âm vốn chủ sau khi được bơm thêm 7.961 tỷ đồng là kết quả kinh doanh các tháng nửa cuối năm.

Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ được thể hiện trực tiếp trên bảng cân đối kế toán dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối hoặc lỗ lũy kế.

Do tại thời điểm cuối quý II, vốn chủ của Vietnam Airlines đang âm 2.750 tỷ đồng nên nếu tổng công ty tiếp tục lỗ 5.211 tỷ trong quý III thì số vốn 7.961 tỷ mới tăng thêm sẽ không đủ để bù đắp, vốn chủ tại ngày 30/9 vẫn sẽ âm.

Vietnam Airlines khó thoát cảnh âm vốn dù đã được bơm thêm gần 8.000 tỷ - Ảnh 3.

Kịch bản Vietnam Airlines thua lỗ hơn 5.200 tỷ trong quý III có dễ xảy ra không?

Ba tháng đầu năm 2021, tổng công ty này thông báo lỗ sau thuế kỷ lục 4.975 tỷ, nhưng sau khi điều chỉnh cách tính khấu hao, số lỗ giảm còn 4.057 tỷ. Trong quý II/2021, Vietnam Airlines cũng dùng cách tính khấu hao mới nên số lỗ giảm từ ước tính 5.900 tỷ xuống còn 4.528 tỷ.

Nói tóm lại, chính sách kế toán mới giúp số lỗ của Vietnam Airlines giảm đi và trong lịch sử doanh nghiệp này chưa từng báo lỗ quá 5.000 tỷ đồng trong một quý.

Tuy nhiên, quý III/2021 cũng không giống với bất kỳ quý nào trong lịch sử. Dịch COVID-19 hoành hành với hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt trên diện rộng, mọi chuyến bay thường lệ quốc tế cũng như trong nước phải dừng trong thời gian dài.

Trong ba tháng từ 19/6 đến 18/9/2021 (phần lớn thuộc quý III), Vietnam Airlines chỉ khai thác 3.926 chuyến bay, giảm 79% so với ba tháng liền trước và sụt 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng một tháng gần đây nhất (từ 19/8 đến 18/9), hãng thực hiện 958 chuyến, thấp hơn cả giai đoạn giãn cách xã hội toàn quốc hồi tháng 4 năm ngoái.

Vì vậy, dự báo Vietnam Airlines thua lỗ kỷ lục trên 5.211 tỷ đồng trong quý III là có cơ sở.

Vietnam Airlines khó thoát cảnh âm vốn dù đã được bơm thêm gần 8.000 tỷ - Ảnh 5.

Việc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo quý II và quý III cũng không quá quan trọng, do quyết định hủy niêm yết được HOSE xem xét dựa theo báo cáo tài chính cả năm đã kiểm toán.

Trong báo cáo phân tích công bố đầu tháng 9, Chứng khoán HSC nhận định: Triển vọng hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2021 vẫn ảm đạm và do đó vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại ngày cuối năm 2021 có thể vẫn âm sau đợt phát hành tăng vốn.

Vietnam Airlines khẳng định vốn chủ của tổng công ty đã hết âm sau đợt tăng vốn và "đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn HOSE". Nhưng nếu Vietnam Airlines thực sự tự tin đáp ứng được các điều kiện niêm yết thì cần gì phải xin đặc cách?

Đức Quyền - Song Ngọc