|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng số chuyến bay giảm sâu, Vietnam Airlines bóp nghẹt thị phần các hãng khác

15:07 | 09/09/2021
Chia sẻ
Kể từ khi dịch COVID-19 ập đến và làm ngành hàng không điêu đứng, thị phần số chuyến bay của Vietnam Airlines đã tăng lên đáng kể, có khi đạt gần 70% và vượt xa các hãng tư nhân. Một phần nguyên nhân đến từ quyết định phân bổ chuyến bay của cơ quan Nhà nước.
Tổng số chuyến bay giảm sâu, Vietnam Airlines bóp nghẹt thị phần các hãng khác - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines và Vietjet Air tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Vietnam Airlines vươn lên nhờ đâu?

Năm 2019 khi ngành hàng không Việt Nam vẫn còn hưởng thái bình, Vietnam Airlines khai thác tổng cộng gần 120.000 chuyến bay (không kể Pacific Airlines và Vasco), chiếm 36,7% toàn ngành. Trong khi đó, Vietjet Air vận hành hơn 139.000 chuyến, chiếm 42,6%.

Trong ba tháng đầu năm 2020 khi ảnh hưởng của COVID-19 còn chưa rõ rệt, số chuyến bay của Vietjet vẫn tiếp tục lớn hơn Vietnam Airlines. Bước sang tháng 4, Việt Nam giãn cách xã hội toàn quốc để chống dịch đợt 1, tổng số chuyến bay (đường màu đen trong biểu đổ dưới đây) rớt thảm chỉ còn chưa đầy 10% so với trước dịch.

Trong đó, thị phần số chuyến của Vietnam Airlines vọt lên 53% còn của Vietjet giảm còn 33%. Trong suốt 9 tháng cuối năm 2020, số chuyến bay của Vietnam Airlines đều cao hơn Vietjet và lớn nhất toàn thị trường.

Tổng số chuyến bay giảm sâu, Vietnam Airlines bóp nghẹt thị phần các hãng khác - Ảnh 1.

Số chuyến bay của Vietnam Airlines từ chỗ thua kém Vietjet đã vượt lên trong thời gian giãn cách, thể hiện qua đường màu xanh cắt trên đường màu đỏ.

Đến các tháng 6, 7 và 8/2021 khi nhiều địa phương một lần nữa phải phong tỏa gắt gao để chống dịch đợt 4, kịch bản của năm ngoái đã lặp lại: Tổng số chuyến bay lao dốc, nhưng tỷ trọng của Vietnam Airlines vọt lên chiếm 69% toàn ngành, Vietjet Air chỉ còn 19%, Bamboo Airways còn 9%.

Khoảng cách giữa hãng hàng không quốc gia (đường màu xanh trong biểu đồ trên) với hãng bay kế tiếp là Vietjet (đường màu đỏ) ngày càng doãng rộng ra. Nếu tính cả hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco, số chuyến bay của Vietnam Airlines Group chiếm 72% toàn ngành.

Nói về nguyên nhân của hiện tượng này phải kể đến các quyết định ưu tiên cho Vietnam Airlines từ phía Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian giãn cách xã hội. Ví dụ, từ ngày 22/7, đường bay nối Hà Nội và TP HCM giảm còn hai chuyến chở khách mỗi ngày, chỉ do Vietnam Airlines khai thác, các hãng khác không được tham gia.

Việc chính quyền các địa phương và cơ quan Nhà nước thường lựa chọn Vietnam Airlines khi tổ chức các chuyến bay đưa đón người dân hồi hương, vận chuyển nhân lực - vật lực để chống dịch, ... cũng giúp cho thị phần của hãng hàng không quốc gia tăng lên.

Khó khăn chung, hỗ trợ riêng

Năm 2020, Việt Nam ngừng các chuyến bay vận chuyển quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay vận chuyển công dân về nước và chở hàng hóa. Sang giữa năm 2021, thị trường nội địa từng là cứu cánh giúp các hãng hàng không cầm cự cũng bị cắt giảm mạnh. 

Phát biểu trong một hội thảo về hàng không gần đây, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết cả một đội tàu bay khoảng 200 chiếc của các doanh nghiệp nước ta đang phải nằm đất, chi phí bảo dưỡng tăng rất cao trong khi các hãng vẫn phải trả chi phí thuê tàu bay. 

Ngoài ra, các hãng còn phải duy trì một số tàu bay cùng lực lượng phi công, thợ máy, tiếp viên, ... sẵn sàng hoạt động để phục vụ các yêu cầu chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. 

"Dù có giãn cách xã hội nhưng ngành hàng không nói chung và các hãng hàng không nói riêng vẫn phải hoạt động tích cực để đảm bảo nguồn lực luôn sẵn sàng, đảm bảo an toàn trong bất cứ tình huống nào", ông Cường nói.

Khó khăn là chung cho cả ngành nhưng nhiều chính sách của Nhà nước lại chủ yếu hướng về phía Vietnam Airlines, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 86% vốn. Ngoài việc phân bổ số chuyến trong thời dịch có thể kể đến các quyết định khác như: Cho riêng Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, được chào bán cổ phiếu ra công chúng dù làm ăn thua lỗ, được thay đổi cách tính khấu hao để giảm chi phí, ...

Song Ngọc - Đức Quyền

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.