Vietnam Airlines đề xuất giá sàn hơn 700.000 đồng/vé, các hãng tư nhân mất cửa khuyến mại?
Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo thông tư về khung giá vé máy bay nội địa.
Hiện nay, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các chuyến bay trong nước được quy định tại Thông tư số 17/2019 của Bộ GTVT, căn cứ Luật Giá năm 2012. Các văn bản nói trên chỉ quy định giá trần, không áp giá sàn với vé máy bay - tức là các hãng có thể bán vé với giá bằng 0.
Thực tế những năm qua, các hãng hàng không đã mở nhiều đợt khuyến mãi vé 0 đồng hoặc vé 49.000 đồng, 99.000 đồng, ...
Trong dự thảo thông tư mới, Cục Hàng không đề xuất giữ nguyên giá trần như hiện nay nhưng áp giá sàn bằng 20% giá trần của chặng bay tương ứng. Nếu Bộ GTVT chấp thuận, giá vé máy bay trong tương lai thấp nhất sẽ là 320.000 đồng, không phải là 0 đồng như hiện nay (chưa bao gồm các khoản thuế, phí).
Cục Hàng không cho rằng việc áp giá sàn trong thời hạn 12 tháng là cần thiết để giảm nguy cơ phá sản của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Bản thân Vietnam Airlines đã đề xuất áp mức giá sàn lên tới 44% giá trần của chặng bay tương ứng và áp dụng trong vòng ba năm. Tuy nhiên Cục Hàng không chỉ đồng ý với mức 20% và 12 tháng. Nếu làm theo phương án của Vietnam Airlines, giá vé nội địa rẻ nhất sẽ là hơn 700.000 đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines đề nghị thay đổi khung giá vé máy bay. Hồi đầu tháng 4 năm nay, hãng hàng không quốc gia đã đề xuất mức giá sàn thấp nhất là 414.000 đồng/chặng.
Chuyên gia hàng không, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống nói: "Mức giá sàn mà Vietnam Airlines đưa ra rất cao, nếu áp dụng thì nhiều người không được đi máy bay",
Thực tế hiện nay, trên cùng một chặng bay, Vietnam Airlines là hãng có giá vé cao nhất, đắt hơn hẳn các hãng tư nhân như Vietjet Air hay Bamboo Airways. Vì vậy đề xuất áp giá sàn này - nếu được thực thi - sẽ làm lợi cho Vietnam Airlines, gây thiệt hại cho các hãng khác cũng như hành khách.
PGS. TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì cho rằng đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines là trái với quy định của Luật Giá nên không thể trở thành hiện thực
"Luật hiện nay chỉ quy định giá trần vé máy bay, không áp dụng giá sàn để các doanh nghiệp còn cạnh tranh với nhau. Doanh nghiệp làm càng tốt và giá càng thấp thì khách hàng càng được lợi. Vậy nên về mặt luật pháp, đề xuất của Vietnam Airlines hoàn toàn sai", ông Long nói.
Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 8.585 tỷ đồng, tăng 63% so với nửa đầu năm 2020. Vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ, lỗ lũy kế hơn 17.000 tỷ và có nguy cơ phá sản.