|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines, Gỗ Trường Thành cùng hàng chục doanh nghiệp UPCoM âm vốn chủ sở hữu

08:51 | 03/09/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có các doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu tới hàng nghìn tỷ đồng như Vietnam Airlines, Đạm Hà Bắc, Vận tải Biển và Thương mại Phương Đông, ... Khoản lỗ lũy kế cũng là những con số khổng lồ.
Cám cảnh âm vốn chủ sở hữu: Từ Vietnam Airlines, Gỗ Trường Thành cùng loạt doanh nghiệp UPCoM - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines tiếp nhiên liệu tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc)

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 cho thấy khoản lỗ sau thuế 4.528 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 âm hơn 2.750 tỷ.

Theo thống kê của chúng tôi, ngoài Vietnam Airlines, thị trường chứng khoán Việt Nam còn có 21 doanh nghiệp khác âm vốn chủ tại thời điểm cuối quý II năm nay. 

Hầu hết cái tên đều đang đăng ký giao dịch cổ phiếu ở thị trường UPCoM, chỉ hai doanh nghiệp đang niêm yết tại HOSE là Vietnam Airlines và Gỗ Trường Thành (Mã: TTF).

Vietnam Airlines xếp thứ 2 về mức độ âm vốn chủ, sau Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Mã: NOS). Đây là doanh nghiệp do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) nắm giữ 49% vốn.

Ở vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) và Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Mã: VST). Các doanh nghiệp còn lại có vốn chủ âm không quá 1.000 tỷ.

Cám cảnh âm vốn chủ sở hữu: Từ Vietnam Airlines, Gỗ Trường Thành cùng loạt doanh nghiệp UPCoM - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 kéo dài và tái bùng phát nhiều lần đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của ngành hàng không, du lịch nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.

Tổng công ty này đã có 6 quý thua lỗ liên tiếp gồm tất cả 4 quý trong năm 2020 và hai quý nửa đầu năm nay. Cuối tháng 6/2021 là lần đầu tiên vốn chủ của Vietnam Airlines âm kể từ khi gia nhập thị trường chứng khoán đến nay. Xét về quy mô lỗ lũy kế, tổng công ty này bỏ xa các doanh nghiệp khác, lớn gấp hơn ba lần doanh nghiệp đứng ngay sau là Đạm Hà Bắc.

Tín hiệu đáng mừng là Vietnam Airlines đang triển khai phương án tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán 800 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. 

Nếu tăng vốn thành công và kết quả kinh doanh nửa cuối năm không quá bi đát, tổng công ty có thể có vốn chủ dương tại ngày 31/12/2021, qua đó thoát án hủy niêm yết khỏi HOSE.

Cám cảnh âm vốn chủ sở hữu: Từ Vietnam Airlines, Gỗ Trường Thành cùng loạt doanh nghiệp UPCoM - Ảnh 4.

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chuyển từ dương sang âm trong quý II/2021.

Với nhiều doanh nghiệp khác, âm vốn chủ đã trở thành căn bệnh kinh niên, dai dẳng từ nhiều năm qua như CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (Mã: CPI), CTCP Xi măng Phú Thọ (Mã: PTE), Hàng Hải Đông Đô (Mã: DDM) hay Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PVY), ...

Do làm ăn thua lỗ liên tục và âm vốn chủ nên các cổ phiếu UPCoM này bị hạn chế giao dịch trong thời gian dài, nhà đầu tư chỉ có thể mua bán vào thứ Sáu hàng tuần.

Với Gỗ Trường Thành, cổ phiếu TTF đang nằm trong diện kiểm soát của HOSE, công ty vẫn đang vừa âm vốn chủ 554 tỷ, vừa lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ. Tuy vậy, kết quả kinh doanh bắt đầu có tín hiệu khả quan khi lợi nhuận sau thuế quý II vừa qua đạt gần 42 tỷ đồng. Liên tiếp hai quý trước đó, Gỗ Trường Thành đều thua lỗ.

Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.