|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng sau 6 quý lỗ liên tục

17:37 | 30/08/2021
Chia sẻ
Trên thị trường chứng khoán, Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 âm nặng nhất và thua lỗ quý II lớn nhất.
Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.570 tỷ đồng - Ảnh 1.

Động cơ tàu bay Vietnam Airlines được bọc kín trong thời gian nằm đất kéo dài. (Ảnh: Song Ngọc).

Hôm nay 30/8, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, chậm hơn một tháng so với các doanh nghiệp khác.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đề nghị được gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính do gặp khó khăn trong việc tổng hợp chứng từ, số liệu trong thời gian giãn cách vì COVID-19.

Theo tài liệu mới công bố, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 6.537 tỷ đồng trong quý II, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ gộp xấp xỉ 3.500 tỷ đồng, tăng 632 tỷ so với số lỗ gộp 2.865 tỷ của quý II/2020. 

Lỗ sau thuế trong quý là 4.528 tỷ đồng, tăng 50%. Đây là số lỗ lớn thứ 2 trong lịch sử Vietnam Airlines, chỉ sau quý I năm nay.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần giảm gần 44% còn gần 14.000 tỷ; lỗ sau thuế tăng 63% lên 8.585 tỷ.

Đáng chú ý, nếu cộng số lỗ trong báo cáo tài chính quý I (4.975 tỷ) với số lỗ của quý II (4.528 tỷ) thì kết quả là 9.503 tỷ, lớn hơn gần 1.000 tỷ đồng so với con số 8.585 tỷ mà Vietnam Airlines vừa tính toán và công bố. Điều này cho thấy tổng công ty đã điều chỉnh số liệu tài chính của quý I.

Số lỗ của quý II/2020 và nửa đầu năm 2020 cũng đã được ghi nhận giảm hàng nghìn tỷ đồng so với báo cáo năm ngoái. Nguyên nhân là trong quý II năm nay, Vietnam Airlines áp dụng phương pháp khấu hao mới tính theo số giờ hoạt động thực tế của tàu bay, không phải theo phương pháp đường thẳng như trước.

Số liệu của quý I được điều chỉnh để có thể cộng với số quý II và cho ra số nửa đầu năm 2021. Số liệu của nửa đầu năm 2020 được điều chỉnh để có cùng căn cứ so sánh với kết quả của năm nay.

Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.570 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tuy nhiên các con số trên đều thấp hơn mức lỗ ước tính 10.788 tỷ đồng mà lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên hôm 14/7.

"Từ đầu năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm với mức lỗ công ty mẹ ước khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro", lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin tới cổ đông.

Trong nửa đầu năm nay, Vietnam Airlines khai thác tổng cộng xấp xỉ 36.000 chuyến bay, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch COVID-19 hai lần bùng phát đợt 3 và đợt 4.

Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.570 tỷ đồng - Ảnh 3.

Vietnam Airlines âm vốn chủ sau 6 quý lỗ liên tiếp

Tính đến cuối quý I, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.030 tỷ. Vì vậy, sau khi lỗ thêm hơn 4.500 tỷ trong quý II, vốn chủ tại ngày 30/6 đã chuyển sang âm 2.750 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 âm nặng nhất và thua lỗ quý II lớn nhất, bỏ xa mọi doanh nghiệp khác.

Tổng tài sản tại ngày 30/6 là 61.255 tỷ, tổng nợ phải trả là 64.006 tỷ. Vietnam Airlines đang triển khai kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%. 

Giá chào bán ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu về và số vốn điều lệ tăng thêm đều là 8.000 tỷ đồng. 

Vietnam Airlines kỳ vọng vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm 2021 sẽ là dương 11 tỷ đồng, qua đó thoát án hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.570 tỷ đồng sau 6 quỹ lỗ liên tục - Ảnh 5.

Vietnam Airlines lỗ liên tục từ quý I/2020 đến quý II/2021.

Trong một tháng từ 19/7 đến 18/8, ngành hàng không Việt Nam khai thác 1.546 chuyến bay, riêng Vietnam Airlines là 1.035 chuyến, đây đều là những con số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dịch COVID-19 đợt 4 kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay chưa được khống chế. Liên tiếp trong 10 ngày gần đây, Việt Nam đều ghi nhận trên 10.000 ca bệnh mới. Nhiều địa phương phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng.

Vì vậy, số chuyến bay cũng như kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý III nhiều khả năng sẽ còn diễn biến tiêu cực hơn so với quý II.

Song Ngọc - Đức Quyền