|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đặc cách cho cổ phiếu Vietnam Airlines là 'trái với quy định chung, tạo sự ỷ lại'

17:53 | 27/09/2021
Chia sẻ
Vietnam Airlines đã được hưởng nhiều cơ chế hỗ trợ mà các doanh nghiệp cùng ngành không có. Nếu tiếp tục đặc cách cho cổ phiếu HVN sẽ càng làm tăng tính ỷ lại, mất đi động lực cải tiến.
Đặc cách cho cổ phiếu Vietnam Airlines: Trái với quy định chung, tạo sự ỷ lại - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines tại Hà Nội, tháng 5/2020. (Ảnh: Đức Quyền).

Tính đến cuối quý II vừa qua, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đang lỗ lũy kế 17.772 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ.

Nếu tiếp tục ghi nhận vốn chủ âm trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cả năm 2021, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) theo quy định tại Điều 120, Nghị định 155/2020.

Mới đây, Vietnam Airlines đã đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phiếu HVN được đặc cách duy trì niêm yết tại HOSE dù doanh nghiệp có thể bị âm vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn.

Đây không phải là lần đầu tiên tổng công ty này đề xuất có cơ chế hỗ trợ riêng. Trong năm 2021, Vietnam Airlines đã được Nhà nước tạo điều kiện để vay 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi, đồng thời huy động gần 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu dù làm ăn thua lỗ nặng.

Các doanh nghiệp hàng không khác như Vietjet Air hay Bamboo Airways không nhận được gói vay ưu đãi lãi suất, và cũng không được phát hành thêm cổ phần nếu thua lỗ.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết nếu tiếp tục tạo cơ chế đặc thù cho cổ phiếu HVN sẽ dẫn tới việc làm trái với quy định chung, thể hiện cách đối xử không công bằng, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và gây ra sự ỷ lại.

Đặc cách cho cổ phiếu Vietnam Airlines là 'trái với quy định chung, tạo sự ỷ lại' - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu HVN trong 9 tháng qua. (Nguồn: TradingView).

Ông Long cho rằng việc Vietnam Airlines thua lỗ khủng là do các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, thứ nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và thứ hai là năng lực quản trị hoạt động.

Nếu liên tục đưa ra những đặc cách về vay nợ, phát hành tăng vốn và niêm yết cổ phiếu thì Vietnam Airlines sẽ không tự cố gắng, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định.

Mới đây tổng công ty này còn đề nghị nâng sàn giá vé máy bay lên tối thiểu 704.000 đồng/vé cho chặng ngắn nhất. 

Nếu Bộ Giao thông vận tải áp dụng phương án này, nhiều người dân sẽ không được đi máy bay, đồng thời các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air hay Bamboo Airways sẽ bị ảnh hưởng lớn vì mất đi sức cạnh tranh.

Làm sao để công bằng giữa Vietnam Airlines và những doanh nghiệp khác?

Trong nửa đầu năm nay, Vietjet ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất gần 122 tỷ đồng, một phần nhờ doanh thu lớn từ hoạt động tài chính. Do không có lỗ lũy kế cũng như không âm vốn chủ nên Vietjet không đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết như Vietnam Airlines.

Theo thống kê của chúng tôi, tại ngày 30/6 vừa qua trên sàn HOSE có hai doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu, cái tên thứ 2 là Gỗ Trường Thành (Mã: TTF). 

Nếu báo cáo tài chính hợp nhất cả năm 2021 vẫn ghi nhận vốn chủ âm, Vietnam Airlines và Gỗ Trường Thành sẽ phải chuyển xuống giao dịch ở thị trường UPCoM. Ở UPCoM hiện có sẵn 20 công ty đang âm vốn.

Xét trên toàn thị trường chứng khoán nước ta, Vietnam Airlines đứng thứ 2 về mức độ âm vốn chủ nhưng dẫn đầu về số lỗ lũy kế, cao gấp hơn ba lần doanh nghiệp ngay sau là Đạm Hà Bắc (Mã: DHB).

Đặc cách cho cổ phiếu Vietnam Airlines: Trái với quy định chung, tạo sự ỷ lại - Ảnh 3.

Nếu Vietnam Airlines được đặc cách duy trì niêm yết cổ phiếu ở HOSE bất chấp vốn chủ sở hữu âm, vậy đến khi những doanh nghiệp khác như Gỗ Trường Thành cũng xin cơ chế để không bị hủy niêm yết thì sẽ xử lý thế nào?

Trong những tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải rời khỏi HOSE vì không đảm bảo quy định niêm yết như CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (Mã: CLG), CTCP An Trường An (Mã: ATG), ... . Nếu những công ty này cũng đòi đặc cách để được niêm yết trở lại thì có nên đồng ý hay không?

Nếu doanh nghiệp nào cũng được đặc cách thì đặt ra quy định chung để làm gì? Nếu chỉ cho riêng Vietnam Airlines thì sự bình đẳng nằm ở đâu?

Cách làm đơn giản nhất là tuân theo quy định rõ ràng sẵn có. Việc hủy niêm yết suy cho cùng không phải là án tử với một doanh nghiệp. Trước khi niêm yết HOSE, cổ phiếu HVN từng có thời gian dài giao dịch ở thị trường UPCoM. Những năm tháng ấy, Vietnam Airlines vẫn bán vé, thu tiền, bay lượn bình thường.

Đức Quyền - Song Ngọc