|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines vào top những khoản đầu tư lớn nhất của SCIC, cùng với Vinamilk, Sabeco

16:50 | 15/09/2021
Chia sẻ
Khối cổ phiếu Vietnam Airlines mà SCIC vừa mua tuần này có giá trị thị trường gần 20.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau Sabeco và Vinamilk trong danh mục cổ phiếu niêm yết.
Vietnam Airlines vào top những khoản đầu tư lớn nhất của SCIC, cùng với Vinamilk, Sabeco - Ảnh 1.

Vietnam Airlines và Vinamilk hiện nay là hai trong số những khoản đầu tư lớn nhất của SCIC. (Ảnh tư liệu: Vietnam Airlines).

Vietnam Airlines vào danh mục SCIC

Ngày 13/9 vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chi 6.895 tỷ đồng để mua lô cổ phiếu HVN từ Vietnam Airlines với giá 10.000 đồng/đơn vị, qua đó sở hữu 31,08% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Tính theo giá trên thị trường chứng khoán kết phiên 14/9, khối cổ phiếu HVN mà SCIC vừa mua có tổng trị giá hơn 19.700 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong danh mục các cổ phiếu niêm yết của Tổng Công ty Đầu tư vốn này.

Đứng trên Vietnam Airlines là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) và Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) với giá trị lần lượt hơn 65.400 tỷ và 38.300 tỷ. 

SCIC đã đầu tư vào Vinamilk và Sabeco từ nhiều năm qua, hiện đang sở hữu 36% vốn của cả hai doanh nghiệp này. Tại Vinamilk, SCIC là cổ đông lớn nhất. Còn tại Sabeco, SCIC là cổ đông lớn thứ 2 sau nhóm ThaiBev.

Ngoài ra, SCIC còn đang sở hữu cổ phần tại một số doanh nghiệp nổi tiếng trong các ngành nghề khác như CTCP Viễn thông FPT (FPT Online - Mã: FOX), Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN), Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã: MBB), CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG), …

Vietnam Airlines vào top những khoản đầu tư lớn nhất của SCIC, cùng với Vinamilk, Sabeco - Ảnh 2.

MBB, VNM, FOX, DHG là những cổ phiếu được SCIC xác định trong nhóm nắm giữ vì các mục đích dài hạn. Ngược lại, SAB, BVH, FPT, NTP, ... nằm trong danh sách thoái vốn năm 2021. Tuy vậy đến tháng 9, tổng công ty này vẫn chưa rút vốn khỏi các cổ phiếu trên.

Một mình Vietnam Airlines thua lỗ

Trong các doanh nghiệp thuộc top 10 danh mục của SCIC, hầu hết đều có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2021 tương đối khả quan với lợi nhuận từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng, Vietnam Airlines là doanh nghiệp duy nhất làm ăn thua lỗ.

Tại ngày 30/6 năm nay, Vietnam Airlines đang âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 17.771 tỷ, tài sản ngắn hạn chỉ bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn, rủi ro thanh khoản lớn.

Sở dĩ SCIC vẫn giải ngân 6.895 tỷ đồng mua cổ phiếu HVN là vì phải "thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội" mà Chính phủ đã giao phó nhằm "khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19".

Vietnam Airlines vào top những khoản đầu tư lớn nhất của SCIC, cùng với Vinamilk, Sabeco - Ảnh 4.

Sau khi có thông tin SCIC bơm gần 6.900 tỷ vào Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN đã tăng kịch trần trong hai phiên liên tiếp 13-14/9. Hôm nay 15/9, HVN có lúc tăng trần nhưng đóng cửa dưới tham chiếu 6,5%, khiến nhiều nhà đầu tư lỗ gần 13% chỉ trong một phiên.

Hoạt động của ngành hàng không còn nhiều khó khăn, các chỉ tiêu tài chính của Vietnam Airlines trong tình trạng nguy ngập nên khoản đầu tư của SCIC đối mặt với những rủi ro rất lớn.

Danh mục kể trên chỉ bao gồm các khoản đầu tư là cổ phiếu giao dịch tập trung ở thị trường chứng khoán. Ngoài ra, SCIC còn đang nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước chưa niêm yết như 99,8% vốn tại Tổng công ty Sông Đà, 98,2% vốn tại Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, 99,5% vốn tại CTCP Giao nhận kho vận ngoại thương, 40% vốn tại Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1, ...

Trong nửa đầu 2021, SCIC ghi nhận lãi trước thuế 6.479 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 96% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản tại ngày 30/6 đạt 65.938 tỷ, tăng gần 2.500 tỷ so với đầu năm. Hơn 92% tổng tài sản là vốn chủ sở hữu.

Song Ngọc