|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vietnam Airlines âm vốn chủ, lỗ lũy kế, tại sao cổ phiếu HVN vẫn tăng kịch trần?

17:16 | 10/09/2021
Chia sẻ
Giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng biến động theo các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp, trường hợp Vietnam Airlines mới đây là một ví dụ điển hình. Trên thế giới còn có nhiều cổ phiếu tăng vọt sau khi doanh nghiệp nộp đơn phá sản.
Vietnam Airlines âm vốn chủ, lỗ lũy kế, tại sao cổ phiếu HVN vẫn tăng kịch trần? - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu HVN tăng liên tiếp 5 phiên từ 6/9 đến 10/9, tạm dừng ở 25.050 đồng/cp. (Nguồn: TradingView).

Vietnam Airlines và những thông tin trái chiều

Ngày 9/9, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng hết biên độ với thanh khoản đột biến, cuối phiên còn dư mua giá trần gần 2,5 triệu đơn vị. Nói nôm na là dù nhà đầu tư có tiền cũng chưa chắc mua được HVN trong ngày 9/9 vì không mấy ai chịu bán.

Sang ngày 10/9, HVN tiếp tục đi lên thêm 4,6%. Trong hai phiên, cổ phiếu "anh cả" ngành hàng không này đã tăng tổng cộng 11,8%.

Diễn biến bất thường của giá cổ phiếu HVN xảy ra khoảng một tuần sau khi Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý II cho thấy khoản lỗ sau thuế hợp nhất 8.585 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lỗ lũy kế tại ngày 30/6 đã lên tới hơn 17.700 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ.

Tài sản ngắn hạn bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn. Các chỉ tiêu về thanh khoản, cơ cấu vốn và khả năng hoạt động đều sa sút xuống mức nguy hiểm. Từ giữa tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định Vietnam Airlines đang ở bên bờ vực phá sản.

Vietnam Airlines âm vốn chủ, lỗ lũy kế, tại sao cổ phiếu HVN vẫn tăng kịch trần? - Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư vò đầu bứt tai không hiểu tại sao một doanh nghiệp làm ăn sa sút như Vietnam Airlines lại có cổ phiếu tăng kịch biên độ.

Điểm đầu tiên cần lưu ý là giá phản ứng với các thông tin mới nhất, diễn biến gần đây nhất liên quan tới doanh nghiệp và cổ phiếu. Việc Vietnam Airlines khó khăn, làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ, nợ quá hạn hàng nghìn tỷ, … đều đã được nhận định từ trước và phản ánh vào giá.

Diễn biến giá cổ phiếu ngày 9/9 sẽ phản ánh những thông tin mới hơn và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường trong phiên giao dịch hôm đó.

Có suy đoán cho rằng HVN tăng mạnh là do TP Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - và một số địa phương đã bước đầu linh hoạt hơn trong kiểm soát giãn cách, cùng với đó là các chính sách mới về kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch.

Cụ thể ngày 9/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Tình cảnh hiện nay của Vietnam Airlines có thể rất nguy ngập nhưng nếu nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng tương lai sáng sủa và có tiềm năng thu lợi tốt, dòng tiền vẫn sẽ chảy vào.

Không riêng HVN, nhiều cổ phiếu hàng không khác như VJC, ACV, SCS, NCT, … cũng tăng đáng kể trong ngày 9/9. Cổ phiếu của các ngành khác nhạy cảm với quá trình mở cửa lại nền kinh tế như bán lẻ (MWG, DGW, FRT, …) đều đồng loạt đi lên.

Kịch bản Vietnam Airlines phá sản cũng rất khó xảy ra. Nhà nước sở hữu trên 86% vốn và đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ riêng cho Vietnam Airlines, chẳng hạn như: cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, được huy động 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu dù làm ăn thua lỗ, được thay đổi cách tính khấu hao để giảm hàng nghìn tỷ đồng chi phí, ... 

Bộ Giao thông vận tải còn đang soạn dự thảo thông tư về việc nâng giá sàn vé máy bay để giúp Vietnam Airlines cạnh tranh tốt hơn với các hãng tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways.

Nhà đầu tư mua HVN vẫn phải chịu rủi ro biến động giá như những cổ phiếu khác, nhưng nguy cơ mất trắng vì phá sản là không đáng kể.

Vietnam Airlines âm vốn chủ, lỗ lũy kế, tại sao cổ phiếu HVN vẫn tăng kịch trần? - Ảnh 4.

Một tàu bay A321 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Song Ngọc).

Tuy nhiên suy cho cùng, giá chỉ chịu sự tác động trực tiếp của cung và cầu. Giá tăng cho thấy lực cầu mạnh hơn cung và ngược lại, giá giảm cho thấy cung chắc chắn lớn hơn cầu. Việc truy tìm các thông tin phía sau nhiều khi không dễ dàng và rất khó để khẳng định thông tin nào có tác động chính và theo chiều hướng nào.

Ví dụ như có rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp công bố thông tin được cho là tích cực như ước tính lợi nhuận khủng, nhưng giá cổ phiếu lại cắm đầu như nhà đầu tư quen gọi là "tin ra là bán". Nguyên nhân có thể là thông tin này đã được người nội bộ "tuồn" ra bên ngoài trước khi báo cáo công khai, đã được các chuyên gia phân tích dự báo từ trước, ...

Có những khi giá cổ phiếu đi ngược lại mọi lý lẽ thông thường, không ai hiểu thấu động lực đằng sau.

Doanh nghiệp nộp đơn phá sản, cổ phiếu vẫn phi vù vù

Chuyện cổ phiếu "thăng hoa" bất chấp hoạt động kinh doanh "kết tủa" không quá xa lạ ở các thị trường chứng khoán nước ngoài.

Nhà đầu tư năm 2021 có lẽ ấn tượng mạnh nhất với cổ phiếu của chuỗi rạp chiếu phim AMC và chuỗi cửa hàng bán lẻ trò chơi điện tử GameStop. Mô hình hoạt động của cả hai doanh nghiệp này đều bị đe dọa, làm ăn thua lỗ liên tục nhưng trong hai tháng đầu năm nay, giá của hai cổ phiếu này tăng đến hàng nghìn phần trăm.

Lực cầu mạnh mẽ đối với các cổ phiếu meme này một phần đến từ các nhà đầu tư cá nhân trên diễn đàn WallStreetBets của mạng xã hội Reddit.

Vietnam Airlines âm vốn chủ, lỗ lũy kế, tại sao cổ phiếu HVN vẫn tăng kịch trần? - Ảnh 5.

GameStop thua lỗ trong hai năm liên tiếp 2019 - 2020.

Tại sao nhà đầu tư lại mua cổ phiếu của những doanh nghiệp bết bát này? Có thể chỉ đơn giản là vì thích lướt sóng với hy vọng lãi lớn. Nhiều người còn tuyên bố lãi lỗ không quan trọng, mua chỉ vì muốn trừng phạt các cá mập Phố Wall đang bán khống GameStop, AMC.

Trước khi hai cổ phiếu meme này trở nên nổi tiếng, nhà đầu tư Mỹ từng phát cuồng với một hiện tượng kỳ lạ khác là cổ phiếu của hãng cho thuê xe hơi Hertz.

Khi COVID-19 còn chưa ập đến, Hertz đã ngập trong 19 tỷ USD nợ nần, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn, cao hơn nhiều so với trung bình ngành. 

Đây đều là các khoản nợ được bảo đảm bằng những chiếc xe mà Hertz cho khách hàng thuê nên rủi ro với bên cho vay không quá lớn. Tuy nhiên khi đại dịch bùng phát, nhu cầu thuê xe biến mất, giá xe hơi lao dốc và phía cho vay đòi Hertz phải nộp thêm tài sản bảo đảm cho khối nợ khổng lồ của mình. 

Hertz không có tiền và đến ngày 22/5/2020 đã nộp hồ sơ xin bảo hộ theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Giá cổ phiếu Hertz ngày hôm đó là 2,84 USD. Điều kỳ lạ là vài tuần sau khi Hertz nộp đơn phá sản, giá cổ phiếu lại vọt lên tới 825%.

Vietnam Airlines âm vốn chủ, lỗ lũy kế, tại sao cổ phiếu HVN vẫn tăng kịch trần? - Ảnh 6.

Cổ phiếu Hertz tăng bằng lần trong hơn một năm tái cấu trúc theo luật phá sản, từ 22/5/2020 đến 30/6/2021. (Ảnh minh họa: Business Insdier).

Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong khi lập kế hoạch tái cấu trúc và trả nợ. Trong các vụ phá sản, cổ đông là người có quyền nhận tiền sau cùng và thường phải chịu mất sạch vốn vì tài sản của công ty đã được thanh lý để trả hết cho tòa án, chủ nợ, người lao động, ...

Vì vậy, quyết định mua cổ phiếu Hertz sau khi công ty đã nộp đơn phá sản là hết sức rủi ro. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn dồn tiền vào cổ phiếu cho thuê xe này và các chuyên gia của Phố Wall không biết nên giải thích kiểu gì.

Lần này, sự liều lĩnh của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mang lại quả ngọt. Nhu cầu thuê xe tăng vọt trong những tháng giữa năm 2021 khi Mỹ tiêm chủng trên diện rộng, COVID-19 được kiểm soát. Từ chỗ phải thanh lý xe với giá rẻ, Hertz chuyển sang thiếu xe để cho thuê.

Công ty còn được một nhóm quỹ đầu tư bơm 6 tỷ USD và chấm dứt hơn một năm tái cấu trúc theo luật phá sản vào tháng 6/2021. Giá cổ phiếu khi đó là 8,7 USD, cao gấp hơn ba lần mức giá tại ngày nộp đơn phá sản và tăng 536% so với ngày đầu năm.

Nhiều cổ phiếu khác cũng có giai đoạn tăng sốc sau khi doanh nghiệp nộp đơn phá sản theo Chương 11 như chuỗi bán lẻ J.C. Penney, Pier 1 Imports, công ty khai thác dầu Whiting Petroleum, ...

Song Ngọc