|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ Dầu Một của Bình Dương trở lại 'bình thường mới' vào ngày mai, TP HCM, Nha Trang cũng dần mở lại một số dịch vụ

11:06 | 09/09/2021
Chia sẻ
Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương như Bình Dương, TP HCM, Khánh Hòa,... đã bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép một số loại hình kinh doanh được hoạt động trở lại tại các khu vực vùng xanh, đảm bảo an toàn.

Bình Dương tiến tới "bình thường mới" tại TP Thủ Dầu Một từ ngày 10/9

Ngày 7/9, tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Thành ủy TP Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Đông cho biết đến nay thành phố đã chuẩn bị tốt các phương án, sẵn sàng thực hiện kế hoạch xây dựng vùng xanh, đưa TP Thủ Dầu Một trở lại trạng thái "bình thường mới" từ ngày 10/9.

TP HCM, Bình Dương, Nha Trang,... đồng loạt nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép một số hoạt động kinh doanh - Ảnh 3.

Người dân TP Thủ Dầu Một sẽ trở lại trạng thái "bình thường mới" từ ngày 10/9. (Ảnh minh họa: Dân trí).

Cụ thể, trong tuần đầu tiên, 14 phường của thành phố sẽ triển khai nội bộ, người dân phường nào sẽ hoạt động ở phạm vi phường đó. Trong tuần tiếp theo, các phường này sẽ được thông thương, trở lại trạng thái "bình thường mới".

Đồng thời thành phố sẽ kiểm soát chặt người ra vào các cửa ngõ. Trừ những trường hợp được phép, các địa phương sẽ không tiếp nhận người dân đến từ TP Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên.

TP Thủ Dầu Một sẽ mở cửa lại chợ truyền thống và siêu thị với điều kiện những tiểu thương kinh doanh bắt buộc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế.

Thời gian gần đây, TP Thủ Dầu Một liên tục lấy mẫu xét nghiệm truy quét F0. Chỉ còn một số phường xuất hiện F0 nhưng số lượng rất ít, cơ bản tiêm vắc xin đạt gần 90% cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên.

Tỉnh Bình Dương cũng đã yêu cầu các địa phương "vùng xanh" cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19. Người tiêm một mũi thì cấp "thẻ vàng", khi lưu thông trong "vùng xanh" cần có thêm giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.

TP HCM cho phép quán ăn bán mang đi, nhiều vùng xanh chuẩn bị kế hoạch nới lỏng

Theo văn bản mới ban hành, TP HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.

UBND TP HCM giao Chủ tịch UBND quận 7 và UBND huyện Củ Chi xây dựng kế hoạch, phương án triển khai để cho phép người dân đi chợ 1 tuần/lần, báo cáo UBND TP HCM trước 11/9.

Bên cạnh đó, thành phố cho mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa cung ứng cho thành phố, đảm bảo lưu thông thông suốt trên nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch.

TP HCM, Bình Dương, Nha Trang,... đồng loạt nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép một số hoạt động kinh doanh - Ảnh 2.

TP HCM cho phép quán ăn bán mang đi, nhiều vùng xanh chuẩn bị kế hoạch nới lỏng. (Ảnh minh họa: Zing).

Đáng chú ý, TP HCM cũng cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper).

UBND TP HCM cũng yêu cầu các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức, để được cấp giấy đi đường (theo Công văn 2800 ngày 21/8 của UBND TP HCM); phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính hai ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp ba người.

Hiện thành phố cũng đang lên kế hoạch tạo điều kiện về vắc xin, thuốc điều trị, hệ thống y tế để quận 7 và huyện Củ Chi dần "mở cửa" làm điểm cho các khu vực khác.

Trong khi đó, UBND quận 7 dự kiến từ ngày 20/9 sẽ cho hoạt động trở lại đối với mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Điều kiện để mở cửa là tiêm vắc xin hai mũi, hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" và tuân thủ 5K. Thời gian đầu, quận cho phép hoạt động từ 6 đến 18h hàng ngày, khuyến khích bán hàng online, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang về.

Lâm Đồng mở lại một số dịch vụ

Ngày 8/9, ông Đặng Trí Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ký văn bản cho phép một số dịch vụ được hoạt động trở lại từ 17h cùng ngày.

Theo đó, Lâm Đồng cho phép hoạt động trở lại các hoạt động tập luyện thể dục thể thao (riêng thể dục thể thao trong nhà chỉ áp dụng tối đa 50% số người so với ngày thường); các dịch vụ hớt tóc và làm đẹp áp dụng 1 nhân viên + 1 khách và chỉ phục vụ cùng lúc 50% công suất so với ngày thường.

Ngoài ra, các quán ăn uống (kể cả quán ăn uống vỉa hè) phục vụ cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường; siêu thị, chợ tuân thủ khoảng cách 2 m giữa người và người, phục vụ khách cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường.

Đối với du lịch nội tỉnh, các điểm tham quan du lịch; cơ sở lưu trú du lịch từ 2 sao trở lên, không quá hai người/phòng, công suất không quá 50%.

Để phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu người dân hạn chế ra đường sau 22h đến 5h hôm sau.

Địa phương này tạm dừng các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi nội tỉnh (trừ các chốt phục vụ cách ly địa bàn thực hiện giãn cách xã hội); tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào tỉnh.

Nha Trang bắt đầu mở lại hàng quán

Ngày 8/9, TP Nha Trang chính thức hết thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tương ứng với từng mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố.

TP HCM, Bình Dương, Nha Trang,... đồng loạt nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép một số hoạt động kinh doanh - Ảnh 4.

Thành phố cho phép các cửa hàng kinh doanh ăn uống được bán mang về, nhưng đến cuối giờ sáng 8/9 rất ít hàng quán mở cửa trở lại. Các hàng quán ở đường Trần Phú (trong ảnh) vẫn đóng cửa. (Ảnh: Báo Khánh Hòa).

Theo quy định của UBND tỉnh và TP Nha Trang, người dân các thôn, tổ dân phố “vùng đỏ”, “vùng cam” tiếp tục ở trong nhà, không đi ra ngoài trừ những trường hợp cấp cứu, thiên tai, hỏa hoạn.

Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho từng hộ dân.

Trong khi đó, người dân ở các “vùng xanh”, “vùng vàng” được đi mua đồ ăn uống mang về tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống, đi chợ trong địa giới hành chính cấp xã theo phạm vi, tần suất 3 ngày/lần; được đi tập thể dục ngoài trời…

Các cửa hàng kinh doanh sách vở, đồ dùng học tập, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được phép bán mang về) ở vùng xanh được hoạt động với điều kiện chủ cửa hàng, cơ sở phải đăng ký và được UBND cấp xã, phường đồng ý khi đã bảo đảm đầy đủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Trong đó, người bán hàng, làm việc tại các cửa hàng, cơ sở phải đeo khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, có dây giăng, vạch kẻ luồng ra/vào, có bàn trung gian giao/nhận hàng, có giấy xác nhận của chủ cơ sở/cửa hàng.

Đồng thời, có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h hoặc đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ hai ít nhất từ 14 ngày trước hoặc người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị có trụ sở ở "vùng vàng" bố trí tối đa 50% người làm việc tại trụ sở; ở "vùng xanh" được bố trí người làm việc theo nhu cầu công việc.

Đối với việc đi ra/vào "vùng vàng", tất cả các trường hợp phải có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h hoặc đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ hai sau 14 ngày hoặc người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.

Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 15 với 4 "vùng xanh"

Chiều 8/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chốt phương án tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa, TX Phú Mỹ và huyện Long Điền.

Các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Côn Đảo áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15. Riêng huyện Côn Đảo đã áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 26/8.

Đối với khu vực vẫn tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, người dân thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở đó”, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tạm dừng hoạt động cảng cá, đánh bắt thủy hải sản và chợ truyền thống tại xã, phường, thị trấn. Người dân khu vực phong tỏa được cung cấp lương thực, thực phẩm hoặc đi chợ hộ.

Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Quản lý chặt chẽ người bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ trong các khu dân cư; người ở trọ, nhà trọ, nhà cho thuê; người nghiện ma tuý; người lang thang, tâm thần.

TP HCM, Bình Dương, Nha Trang,... đồng loạt nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép một số hoạt động kinh doanh - Ảnh 1.

Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng Chỉ thị 15 với 4 "vùng xanh". (Ảnh minh họa: Vietnamnet).

Với 4 địa phương “vùng xanh”, tỉnh đề nghị phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, không chủ quan, lơ là. Các quy định sẽ được nới lỏng theo từng giai đoạn.

Cụ thể, từ 9/9-14/9, các địa phương tiếp tục tập trung xét nghiệm sàng lọc cho người dân. Từ 15/9-30/10, cho phép mở cửa một số loại hình hoạt động kinh tế, tạo điều kiện đi lại bên trong "vùng xanh".

Sau ngày 1/11, căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh và đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 70% người dân (hai mũi tiêm), tỉnh sẽ mở rộng hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế - xã hội.

Phương Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.