|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai nước Đông Nam Á vẫn quyết mở cửa dù số ca COVID-19 tăng cao

09:30 | 10/09/2021
Chia sẻ
Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây, song Thái Lan hay Singapore đều quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách nới lỏng, tiến tới trạng thái "bình thường mới" của mình.

Singapore ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục

Trong ngày 8/9, Singapore ghi nhận 347 trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 24h. Đây cũng là ngày có số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng 1.325 ca mắc, tăng 723 trường hợp so với tuần trước đó.

Theo Bloomberg, cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa có dấu hiệu "chùn bước" trong kế hoạch sống chung với COVID-19 của mình, ngay cả khi số ca nhiễm trong nước vượt qua số trường hợp ghi nhận vào thời điểm Singapore thực hiện siết chặt giãn cách vào hồi tháng 4/2020 và đẩy số ca bệnh xuống mức thấp.

Trước đây, những lệnh hạn chế nghiêm ngặt như cấm ăn uống trong nhà hay đóng cửa các phòng tập thể dục sẽ được ban hành ngay sau khi xuất hiện những đợt tăng đột biến như thế này.

Hai nước Đông Nam Á vẫn quyết mở cửa dù số ca COVID-19 tăng cao - Ảnh 1.

Biến động số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày tại Singapore. (Nguồn: Bloomberg).

Với tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đạt 81%, đứng thứ 7 trên thế giới, Singapore là quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trong những quốc gia có dân số trên 1 triệu người. 

Điều này đã giúp "đảo quốc sư tử" hạn chế thấp nhất các trường hợp nhập viện và tử vong. Song Bloomberg nhận định, những con số này có thể tăng lên trong những tuần tới.

Việc tiếp tục kế hoạch mở cửa và tiến tới "bình thường mới" hay không, khi mầm bệnh bắt đầu lan rộng trong cộng đồng sẽ quyết định tương lai của Singapore - trung tâm tài chính kinh doanh, vốn được coi là cửa ngõ vào châu Á. 

Thái Lan vẫn tiếp tục kế hoạch mở cửa du lịch

Trong khi đó tại Thái Lan, ngày 9/9, nước này đã ghi nhận 16.031 ca mắc mới, trong tổng số hơn 1,3 triệu ca, phần lớn phát hiện từ tháng 4. Nước này đã ghi nhận 13.731 ca tử vong. Song Thái Lan vẫn duy trì mục tiêu mở cửa một số tỉnh thành từ tháng sau, đồng thời hướng tới mở cửa hoàn toàn đất nước từ đầu năm 2022.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchan ngày 9/9 cho biết nước này có kế hoạch mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại Bangkok và các điểm du lịch nổi tiếng khác vào tháng 10 tới, nhằm hồi sinh ngành du lịch bị tàn phá bởi dịch bệnh COVID-19.

Ông Thanakorn Wangboonkongchan cho biết Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai sẽ được bổ sung vào danh sách triển khai chương trình kích cầu du lịch, trong đó khách du lịch đã tiêm đủ vắc xin và tiến hành một loạt xét nghiệm có thể được đến thăm các địa điểm này. 

Chương trình này đang được áp dụng tại các đảo Samui và Phuket, nơi 70% người dân địa phương được yêu cầu tiêm đủ vắc xin.

Hai nước Đông Nam Á vẫn quyết mở cửa dù số ca COVID-19 tăng cao - Ảnh 2.

Do tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19, kế hoạch mở cửa Bangkok sẽ phải rời xuống tháng 11. (Nguồn: AFP).

Trả lời hãng tin Reuters, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), ông Yuthasak Supasorn cho hay Bangkok sẽ được mở cửa trở lại từng phần, bắt đầu từ những khu vực nổi tiếng với du khách. 

Ông Yuthasak cho biết Thái Lan đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách đến nước này trong năm nay, so với con số gần 40 triệu lượt du khách trong năm 2019.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Thái Lan đã tiếp đón khoảng 88.000 lượt du khách, 1/3 trong số đó là đến Phuket, được mở trở lại hồi tháng 7/2021.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng có thể là một trở ngại cho việc mở cửa trở lại vào tháng 10/2021, khi mới chỉ có 34% người dân Bangkok được tiêm chủng đầy đủ tính đến nay, còn tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vắc xin trên toàn quốc ở mức 15%.

Ngoài ra, một số nước như Anh, một thị trường du lịch quan trọng của Thái Lan, đang áp đặt hạn chế như yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh từ Thái Lan, một phần do tỷ lệ tiêm phòng thấp.

Tuy nhiên, chủ các khách sạn nước này hy vọng số ca mắc COVID-19 giảm và có nhiều người được tiêm chủng sẽ giúp ích cho ngành du lịch khách sạn trong thời gian tới.

Phương Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.