|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch tái bùng phát tại nước từng tiêm vắc xin nhiều nhất thế giới cho thấy sống chung với COVID-19 là như thế nào

07:10 | 10/09/2021
Chia sẻ
Israel từng được kỳ vọng sẽ thoát khỏi COVID-19 sớm nhất nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cao, nhưng giờ quốc gia này lại trở thành một trong những điểm nóng tái bùng phát dịch bệnh làm dấy lên lo ngại.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Israel hiện có số ca nhiễm trên bình quân đầu người cao nhất (trong tuần đến ngày 4/9). Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của nước này đã giảm xuống.

Giờ đây, mọi người không còn để ý đến chuyện ai bị nhiễm COVID-19, mà là họ bệnh nặng ra sao và làm thế nào để đảm bảo liệu vắc xin vẫn hiệu quả trước biến chủng Delta.

Israel  - Ảnh 1.

Một cô gái được tiêm một liều vắc xin Pfizer-BioNTech trong chiến dịch khuyến khích thanh thiếu niên tiêm phòng COVID-19 ở Tel Aviv (Israel) vào tháng 7. (Ảnh: Jack Guez/AFP).

Trả lời Bloomberg, ông Eyal Leshem, Giáo sư chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Ha-Shomer (Israel) cho biết nếu có thể duy trì cuộc sống mà không cần phong tỏa, tránh được số lượng lớn ca nhập viện và tử vong, đây chính là sống chung với COVID-19.

Kể từ tháng 4, Israel đã rơi từ vị trí số 1 xuống hạng 33 về tỷ lệ dân số tiêm đủ liều. Nguyên nhân là thái độ dè chừng tiêm vắc xin.  Khoảng 61% người Israel đã được tiêm hai liều vắc xin, thấp hơn so với các nước ở châu Âu hồi đầu năm như Pháp và Tây Ban Nha.

Sự xuất hiện của chủng Delta khiến ca nhiễm ở Israel tăng trong suốt mùa hè, đạt mốc 11.316 ca hôm 2/9. Tuy nhiên, số bệnh nhân trở nặng và nhập viện tăng ít hơn so với đợt bùng phát trước đây, đạt 751 người vào cuối tháng 8 so với 1.183 người vào giữa tháng 1 và xu hướng gần đây là tiếp tục giảm.

Các ca nhiễm tăng cao chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó cũng có trường hợp được gọi là ca nhiễm đột phá (tiếng Anh: breakthrough infection) ở những người đã tiêm chủng và làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, những người chưa tiêm ngừa chiếm phần lớn số ca bệnh nặng, gấp 10 lần so với nhóm đã tiêm đủ hai liều. Điều đó cho thấy dù hiệu quả phòng bệnh của vắc xin giảm theo thời gian nhưng các mũi tiêm vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ.

Trong giai đoạn mới, Chính phủ Israel tập trung đảm bảo sức khỏe cho đối tượng người cao tuổi có nhiều nguy cơ. Trong khi đó, các ca bệnh ở trẻ em đang gia tăng, nhất là khi hàng triệu trẻ em quay trở lại trường học vào tuần này.

Israel  - Ảnh 2.

Một nhân viên y tế chuẩn bị dụng cụ test nhanh COVID-19 tại một cơ sở xét nghiệm ở Tel Aviv. (Ảnh: Kobi Wolf/Bloomberg).

Các nhà dịch tễ học lưu ý số ca nhiễm trong nhóm trên 30 tuổi đã giảm nhờ vào liều vắc xin tăng cường và thắt chặt quy định đối với quán bar, nhà hàng chỉ được phục vụ người đã tiêm ngừa đủ.

Ông Ran Balicer, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Israel, cho biết tỷ lệ ca nhiễm mới cao nhất trong những tuần gần đây nằm trong nhóm trẻ em dưới 12 tuổi. Đồng thời ông cũng đưa ra nhận định rằng hiện tượng giảm khả năng miễn dịch nhờ vắc xin theo thời gian là thách thức mà mọi quốc gia cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Israel sẽ công bố dữ liệu về chương trình tiêm bổ sung liều ba trong vài tuần tới.

Bộ Y tế Israel cho biết, tính đến ngày 6/9, ít nhất 2,6 triệu người ở Israel (khoảng 28% dân số) đã được tiêm liều bổ sung bằng vắc xin Pfizer. Tỷ lệ này trong nhóm người trên 60 tuổi đạt 64%.

Điều khó dự báo nhất hiện nay là việc đưa toàn bộ trẻ em trở lại trường học. Bối cảnh lây nhiễm có thể thay đổi vì tất cả nhóm tuổi đều có thể bị phơi nhiễm với virus khi các em học sinh đem theo COVID-19 từ trường về nhà, ông Balicer bày tỏ quan ngại.

"Nếu nhìn lại một năm trước đây, chúng ta không có biện pháp bảo vệ nào khác ngoài phong tỏa hoàn toàn. Bây giờ khi trường lớp mở lại, giao thương mua bán diễn ra bình thường, mặc dù có trên 50.000 ca nhiễm mỗi tuần nhưng không thấy sự gia tăng về số ca bệnh nặng", Giáo sư Leshem tỏ ra lạc quan.

Tường Vy