Israel: Hiệu quả vắc xin Pfizer giảm trước biến chủng Delta
Bộ Y tế Israel đã thu thập dữ liệu trong một tháng qua và phát hiện vắc xin của Pfizer/BioNTech chỉ có hiệu quả khoảng 64% trong việc ngăn ngừa biến chủng Delta lây lan trong số những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Hiệu quả của vắc xin này với các chủng trước ước tính đạt 94%.
Tuy nhiên, số liệu mới cho thấy vắc xin của Pfizer/BioNTech có thể ngăn ngừa hầu hết ca bệnh nặng hoặc ca bệnh cần nhập viện, tỷ lệ hiệu quả khoảng 93%.
Giáo sư Nadav Davidovitch, một thành viên trong ban cố vấn của chính phủ Israel về đại dịch COVID-19, lưu ý rằng nghiên cứu mới được thực hiện dựa trên dữ liệu "sơ bộ" mà các cơ quan y tế liên tục thu thập.
Ông Davidovitch cho hay: "Biển chủng Delta dễ lây nhiễm hơn nhiều, nhưng dường như không khiến bệnh nhân tiến triển nặng và tử vong, đặc biệt là khi chúng ta đã có vắc xin ngăn ngừa".
Kể từ khi Israel dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế còn lại vào ngày 1/6, số ca bệnh mới đã tăng lên đáng kể. Khá nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao, theo Financial Times.
Tính đến ngày 5/7, trên toàn Israel có gần 2.600 ca bệnh, nhiều hơn hai lần so với tuần trước. Dù vậy, Bộ Y tế nước này cho biết chỉ có 35 trường hợp được coi là bệnh nặng.
Trước nghiên cứu của Israel, các cơ quan y tế của Vương quốc Anh cũng thông báo rằng tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech giảm trước biển chủng Delta, mặc dù kết quả nghiên cứu ít nghiêm trọng hơn.
Cụ thể, vào tháng 5, Bộ Y tế Cộng đồng Anh cho biết vắc xin của Pfizer/BioNTech có thể đạt mức bảo vệ khoảng 88% trước biến chủng Delta, và 93% đối với biến chủng Alpha lần đầu được phát hiện tại hạt Kent.
Theo nghiên cứu trên, khả năng bảo vệ của hai liều vắc xin Oxford/AstraZeneca ở mức thấp hơn, khoảng 66% đối với biển chủng Delta. Vắc xin này là loại được sử dụng chủ yếu trong chương trình tiêm chủng hàng loạt của Anh.
Israel là một trong các nước tiến hành tiêm ngừa vắc xin COVID-19 nhanh nhất thế giới. Đến nay, hơn 5 triệu trong tổng cộng 9 triệu công dân Israel đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin Pfizer.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca bệnh mới tăng cao, chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett tháng trước đã áp dụng trở lại yêu cầu đeo khẩu trang khi tụ tập tại các sự kiện trong nhà và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, Israel cũng đang cân nhắc đưa ra các hạn chế bổ sung, như tái triển khai chương trình "hộ chiếu xanh" cho những người đã được tiêm chủng, hạn chế tụ tập đông người ở nơi công cộng và tăng cường tiêm vắc xin.
Tuần trước, chính phủ nước này đã thực hiện tiêm chủng cho các thanh thiếu niên. Hơn 100.000 người đã được tiêm ngừa, bao gồm con gái của Thủ tướng Bennett. Phản ứng của Israel trái ngược với chính sách của Anh, nơi Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế vào ngày 19/7 tới.
Bình luận về nghiên cứu của Bộ Y tế Israel, Pfizer lưu ý rằng dữ liệu này còn khá "sơ bộ và chưa được đánh giá toàn diện".
Hãng dược này khẳng định, hiện tại đã có nhiều bằng chứng, gồm thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu thực tế, cho thấy vắc xin của Pfizer có thể ngăn ngừa một loạt biến chủng đáng lo ngại của SARS-CoV-2, bao gồm biến chủng Delta.