|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không nên trì hoãn tiêm phòng COVID-19 để chờ vắc xin khác

10:43 | 29/06/2021
Chia sẻ
Trước thực tế một bộ phận người dân e ngại, trì hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 để chờ các vắc xin khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Bộ Y tế và nhiều nhà khoa học đã khẳng định, không có vắc xin nào hiệu quả 100% và không có vắc xin nào an toàn 100%.
Không nên trì hoãn tiêm phòng COVID-19 để chờ vắc xin khác - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khuyến cáo người dân, nếu có vắc xin nào thì hãy tiêm vắc xin đó - (Ảnh: VGP/Hiền Minh).

Hiện nay, vắc xin là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định trong sự thành công chiến lược phòng chống COVID-19. Vì vậy, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khuyến cáo người dân, nếu có vắc xin nào thì hãy tiêm vắc xin đó. Tất cả các vắc xin về Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm định chất lượng vắc xin rất chặt chẽ.

“Hiện tại, nguồn cung vắc xin rất hiếm. Chúng ta không thể biết chắc được số lượng cụ thể là bao nhiêu liều sẽ về Việt Nam từ nay đến tháng 9. Vì vậy, chúng ta phải ưu tiên các đối tượng tiêm thuộc Nghị quyết 21 và đối tượng công nhân trong các khu công nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chia sẻ, hiện nay, theo nghiên cứu của một số nước, có thể tiêm 2 loại vắc xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ, trước mắt có thể dùng vắc xin AstraZeneca, sau đó có thể dùng Pfizer hoặc một số vắc xin khác.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, việc tiêm 2 loại vắc xin ở 2 thời điểm khác nhau đã được nghiên cứu ở nhiều nước châu Âu và Mỹ. Số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy, nếu tiêm mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer thì sẽ đáp ứng miễn dịch tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại. Hiện Anh đang nghiên cứu mũi 2 tiêm các loại vắc xin khác như Moderna hoặc Sputnik-V…, số liệu bước đầu cũng rất khả quan.

“Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân, nếu chúng ta có vắc xin nào thì hãy tiêm vắc xin đó, vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc xin có tỉ lệ gần như nhau và không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn”, GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Ca phản ứng nặng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Tiêm chủng, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội, cho biết: "Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay chỉ có một số ít người e ngại tiêm vắc xin phòng COVID-19, còn số người có nhu cầu tiêm rất nhiều, khoảng 70-80%".

Bà Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ, trước khi tiêm, các bác sĩ khám sàng lọc sẽ tư vấn cho người được tiêm về việc vắc xin có thể phòng bệnh cho chính bản thân người được tiêm. Tuy nhiên, không có nghĩa là đối tượng được tiêm sẽ không mắc bệnh sau tiêm, nhưng khi đã tiêm vắc xin thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp hơn.

Đặc biệt, những trường hợp đã tiêm, nếu có mắc bệnh thì triệu chứng cũng rất nhẹ so với đối tượng không được tiêm. Điều quan trọng nữa là nếu toàn dân tiêm phòng vắc xin COVID-19 thì sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng.

“Không phải mỗi vắc xin COVID-19 mà tất cả các vắc xin đều có nguy cơ phản ứng sau tiêm. Vì vậy, quan trọng nhất là tất cả các điểm tiêm chủng cần phải có phương án cấp cứu sốc phản vệ hoặc cấp cứu trường hợp phản ứng ngay lập tức tại điểm tiêm”, bà Lê Thị Thanh Xuân cho biết.

Theo các chuyên gia, do vắc xin COVID-19 là vắc xin mới nên theo quy định của Bộ Y tế, những trường hợp có nguy cơ cao phản ứng sau tiêm như có cơ địa dị ứng… thì cần phải tiêm ở những nơi như bệnh viện, có phòng khám cấp cứu ngay tại đó.

Thông thường, các ca phản ứng nặng hay xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm, rất hy hữu trường hợp xảy ra tại nhà. Chính vì vậy, khâu khám sàng lọc, tư vấn cho người được tiêm rất quan trọng. Sau tiêm, người dân phải được theo dõi tại nơi tiêm 30 phút, sau đó tự theo dõi tại nhà từ 24-48 giờ tiếp theo. 

Trong khoảng thời gian đó, nếu có các phản ứng như ngứa, nổi mề đay, tức ngực, thậm chí có biểu hiện của hôn mê thì người nhà hoặc bản thân người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Hiền Minh