|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sự trỗi dậy của Israel: Chàng tí hon tứ bề thọ địch trở thành người khổng lồ trong quân sự và công nghệ

15:41 | 23/06/2021
Chia sẻ
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng nhận xét về Israel: "Israel khiến tôi nhớ đến nước Mỹ thuở đầu. Sự quyết tâm, động lực, trí thông minh và sự chủ động của con người Israel thật đáng nể và phi thường".
Cách Israel trở thành cường quốc về công nghệ và quân sự - Ảnh 1.

Pháo binh của Israel gần biên giới giữa Israel và Dải Gaza, ngày 14/5/2021. (Ảnh: Reuters).

Bước nhảy ngoạn mục

Trong quá khứ, Israel được nhiều cộng đồng quốc tế mô tả như chàng tí hon David bị bao vây bởi một loạt gã khổng lồ Goliath là các quốc gia Arab láng giềng.

Ngay sau đêm nhà nước Israel tuyên bố thành lập năm 1948, hàng loạt nước láng giềng gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq đã đem quân xâm chiếm Israel. Điều kỳ diệu là  người Israel đã đẩy lùi quân địch lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần. 

Trong các cuộc chiến tranh và xung đột năm 1956, 1967, 1973, 1982 và 2006, quân đội Israel cũng đều giành được thắng lợi, theo tờ National Interest.

Ngày nay, báo chí phương Tây nhìn nhận rằng Israel là siêu cường quân sự ở Trung Đông. Vị thế của kẻ tí hon và gã khổng lồ đã bị hoán đổi.

Với diện tích nhỏ (21.643 km2) và dân số ít (khoảng 8,7 triệu người), Israel không có lực lượng hậu bị lớn. Tuy nhiên, Israel bù đắp những nhược điểm trên bằng công nghệ tiên tiến. 

Câu hỏi là làm cách nào mà một đất nước nhỏ bé, tứ bề thọ địch như Israel lại có thể trở thành siêu cường, sở hữu một trong những đội quân tiên tiến nhất trên thế giới?

Viện trợ từ Mỹ

Mỹ bắt đầu hỗ trợ Israel từ năm 1948, khi quốc gia này tuyên bố độc lập. Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ cho biết tính đến năm 2020, Mỹ đã cung cấp cho Israel tổng cộng 146 tỷ USD dưới dạng hỗ trợ song phương và tài trợ cho phòng thủ tên lửa. Viện trợ quân sự của Mỹ giúp biến lực lượng quân sự của Israel thành một trong những quân đội có công nghệ tinh vi nhất thế giới.

Theo thỏa thuận 10 năm được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Obama, hàng năm Mỹ cung cấp cho Israel khoảng 3,8 tỷ USD hỗ trợ quân sự. Không một quốc gia nào khác nhận được cam kết tài trợ an ninh trong suốt 10 năm từ Mỹ. 

Chi lớn cho quân đội

Israel vận hành bộ máy quân sự lớn và mọi công dân trên 18 tuổi đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dữ liệu từ SIPRI cho thấy Israel chi tận 22 tỷ USD cho quân đội trong năm 2020. Israel phân bổ 12% tổng chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng. Tính theo bình quân đầu người, Israel là nước chi mạnh nhất cho quốc phòng, qua mặt cả Mỹ. 

Cách Israel trở thành cường quốc về công nghệ và quân sự - Ảnh 2.

Chất lượng trên số lượng

Ông David Ben-Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel, rất chú trọng khoa học và công nghệ. Ông bị cuốn hút bởi công nghệ thế kỷ 20. Từ những năm 1950, vị chính khách này đã quan tâm đến trí tuệ nhân tạo và học máy, tờ New Statesman cho biết. 

Giáo sư Isaac Ben-Israel, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Israel cho biết: "Ngay từ ngày đầu tiên, những người sáng lập nước của chúng tôi đã quyết định rằng Israel nên chú trọng đến yếu tố chất lượng hơn là số lượng".

"Chất lượng ở đây là chất lượng về con người, phần lớn đạt được thông qua giáo dục, và chất lượng khoa học và công nghệ. Nguyên lý này vẫn đúng cho đến ngày nay".

Xung đột liên miên

Israel thường xuyên ở trong thế xung đột với ngoại quốc kể từ khi thành lập, gần như thập kỷ nào cũng có giao tranh. Thực tiễn này buộc người Israel phải sáng tạo ra những phương thức và vũ khí hiện đại để sống sót.

Từ quân đội đến phần mềm

Một trong những nguồn phát triển công nghệ cao của Israel đến từ chính quân đội của nước này.

Ví dụ về sự phát triển công nghệ của quân đội Israel bao gồm hợp đồng 100 triệu USD giữa Bộ Quốc phòng Israel và Motorola để sản xuất smartphone quân đội thế hệ mới vào năm 2014, thiết bị có kích thước bằng quả bóng tennis được trang bị camera và hồng ngoại mang đến tầm nhìn 360 độ. 

Quân đội Israel đóng vai trò như lò ươm và tăng tốc cho startup. Không thiếu trường hợp cựu quan chức quân đội tự mở doanh nghiệp khi quay trở về đời sống dân sự.

Ông Liran Grinberg, nhà sáng lập viện nghiên cứu Team8 cho biết: "Rất nhiều người đã nói về ngành công nghệ cao của Israel được tạo ra từ những sinh viên tốt nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong các đơn vị tình báo tinh nhuệ… Thực ra lực lượng quân sự và các nhà phát triển phần mềm có rất nhiều kỹ năng giống nhau".

Ông Naftali Bennett, tân Thủ tướng Israel cũng từng là lính biệt kích của Lực lượng Phòng vệ Israel trước khi trở thành doanh nhân công nghệ rồi tham gia chính trường. 

Quốc gia khởi nghiệp

"Quốc gia khởi nghiệp" là tên cuốn sách năm 2009 của hai tác giả Dan Senor và Saul Singer về kinh tế Israel. Phải công nhận rằng cách gọi này không hề nói quá. Israel là quốc gia có số startup bình quân trên đầu người lớn nhất thế giới (khoảng 1.400 người dân thì có một startup). Israel cũng là quốc gia hàng đầu về số bằng sáng chế trên đầu người.

"Silicon Wadi", khu vực đặt trụ sở của hầu hết các công ty công nghệ cao ở Israel, chỉ xếp sau Thung lũng Silicon về số lượng startup. Mọi tập đoàn công nghệ quốc tế lớn đều mở văn phòng lớn ở đó và các cụm công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh nhờ các chính sách và khuyến khích của chính phủ, cũng như vốn đầu tư mạo hiểm.

Bà Fiona Darmon, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Jerusalem Venture Partners cho biết, ngoài tư duy và văn hóa kinh doanh của người Israel, việc các công ty đa quốc gia thành lập trung tâm R&D cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Israel có hơn 300 trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D. Theo số liệu mới nhất đến năm 2018, Israel đầu tư vào R&D nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác (tỷ lệ tương đương 4,95% GDP). Phần lớn số tiền này đổ vào hệ thống máy tính, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu y tế và an ninh mạng.

Cách Israel trở thành cường quốc về công nghệ và quân sự - Ảnh 3.

Ông Darmon nói thêm: "Khoản đầu tư R&D đó đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel vì nó xác nhận trình độ học vấn và kỹ năng. Đó là nguồn gốc của các công ty startup mới chứ không chỉ đơn thuần là mua lại. Đây là đường tắt: bằng cách khuyến khích startup, Israel nắm bắt được quan hệ với công ty đa quốc gia hoặc nguồn vốn từ công ty đa quốc gia".

Năm 2019, Israel thu hút được hơn 19 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, lớn hơn cả những nước phát triển như Anh (15,1 tỷ USD), Thụy Điển (15,4 tỷ USD) hay Italy (17,1 tỷ USD). 

Hệ sinh thái startup, đầu tư lớn cho R&D, công nghệ tiên tiến của Israel là những điểm cộng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. 

Giang